Ông Trương Đình Hòe cho biết, tháng 1-2014 xuất khẩu thủy sản cả nước đạt khoảng 700 triệu USD ( tương đương cùng kỳ mọi năm), là tín hiệu phấn khởi trong hoạt động xuất khẩu đầu năm. Với mặt hàng tôm, vẫn diễn biến theo chiều hướng nhu cầu cao nhưng điều quan ngại sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu trong thời gian tới là sự trở lại của Thái Lan đối với con tôm thẻ. Riêng với mặt hàng cá tra, thì ngay từ đầu năm đã phải đối mặt với 2 vấn đề khó khăn, đó là Nga tạm ngưng nhập khẩu cá tra và quy định mới tại thị trường Mỹ.
Quyết định Nga tạm ngưng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 31/1/2014) được đưa ra là dựa vào kết quả kiểm tra của các chuyên gia Nga tại Việt Nam vào tháng 12-2013 đối với một số nhà máy chế biến cá, trang trại nuôi cá và phòng thí nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số cơ sở của Việt Nam trong quá trình nuôi cá không kiểm soát việc áp dụng kháng khuẩn và chế phẩm kích thích tố.
Thực tế, đây không phải lần đầu Nga tạm ngưng nhập khẩu cá tra của Việt Nam mà trước đó, năm 2008, 2012, 2013, Nga đều có lệnh tạm ngưng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vì lý do an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bị tạm ngưng đã phải khắc phục lại các khuyết điểm và sau đó vẫn tiếp tục xuất khẩu trở lại vào thị trường khó tính này. "Sau sự cố này, chúng tôi cùng các doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan thẩm quyền để kiểm tra lại những vấn đề chưa đạt để có biện pháp khắc phục những sai sót. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tích cực làm việc với phía đối tác để có thể dỡ bỏ lệnh tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng cá tra Việt Nam vào Nga", ông Hòe cho biết. Theo số liệu từ VASEP, trong năm 2013, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Nga chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, đạt trên 100 triệu USD.
Trong khi con cá tra đang lao đao tại thị trường Nga thì tại Mỹ, một quy định mới cũng được đưa ra đối với mặt hàng cá tra.
Theo VASEP, ngày 7/2/2014, Tổng thống Mỹ đã chính thức ký quyết định ban hành Luật Nông trại 2014, theo đó chuyển chức năng giám sát cá da trơn, trong đó có cá tra của Việt Nam, từ Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) sang Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Theo đó, Luật Nông trại 2014 với nhiều nội dung gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tương lai vào thị trường này. Với điều khoản này, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy định cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn ngang đồng với mặt hàng cá da trơn sản xuất tại Mỹ, từ quy trình nuôi, sản xuất đến việc đóng gói và xuất khẩu. Cũng như các chuyên gia, ông Hòe cho rằng, dù Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn Luật Nông trại 2014, nhưng để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn này và đưa vào áp dụng với Việt Nam cũng phải đến năm 2015. Chính vì vậy, trong năm 2014 xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn không bị ảnh hưởng bởi quy định này.
Đánh giá xuất khẩu thủy sản trong năm 2014, ông Trương Đình Hòe cho rằng xuất khẩu vẫn có khả năng đạt được 6,7-6,8 USD do nhu cầu của thế giới, phục hồi của thị trường EU. Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang mở rộng sang các thị trường mới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Vấn đề quan trọng hiện nay xuất khẩu tốt đó là cần vốn và tái cơ cấu. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu thì ngành Thủy sản trong nước đã thực hiện từ năm 2012-2013 nên đến năm 2014 thì không có gì là khó.