Tham dự đối thoại có hơn 70 đại biểu đại diện các bộ, ngành Trung ương, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành ĐBSCL và các viện nghiên cứu, hiệp hội, doanh nghiệp thủy sản tham dự.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của cả nước nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Hằng năm sản lượng thủy sản xuất khẩu tại vùng này chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản toàn quốc. ĐBSCL có nhiều thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) và đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật và công nghệ từ NTTS. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển và tăng trưởng nhanh, NTTS của vùng cũng còn gặp không ít thách thức, khó khăn. Trong đó, công tác quy hoạch NTTS còn bất cập; Đầu tư cho phát triển NTTS còn thấp; sự liên kết giữa các bên liên quan chưa cao; quản lý môi trường và dịch bệnh còn có hạn chế; bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho NTTS còn gặp nhiều khó khăn; nhu cầu từ các thị trường quốc tế đối với các sản phẩm thủy sản chất lượng cao, an toàn và sạch; những thách thức về biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Theo các đại biểu tham dự, để góp phần giải quyết các thách thức trên, cần có những giải pháp đồng bộ với sự tham gia tích cực qua của các biên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hộ nuôi, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ và thể chế tài chính, các tổ chức xã hội và phi chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học ...cần có sự hợp tác, liên kết một cách chặt chẽ và bền vững. Tổ chức lại sản xuất, trong đó liên kết trong theo chuỗi là một giải pháp.
Đối thoại bàn tròn về nuôi trồng thủy sản diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC 2014). Nội dung cơ bản đi sâu phân tích, làm rõ hiện trạng, các cơ hội, thách thức, nhu cầu và định hướng hợp tác, liên kết; phát triển cơ chế đối thoại bàn tròn nhằm phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu bế mạc Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam đã thống nhất ý kiến của các đại biểu về duy trì Đối thoại bàn tròn hàng năm. Mô hình, cơ chế tổ chức đối thoại cần được dự thảo, lấy ý kiến thống nhất, cam kết tham gia của các bên liên quan nhằm thúc đẩy sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, hướng tới phát triển bền vững ngành thuỷ sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.