Nằm trên địa xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, VQG Mũi Cà Mau có diện tích hơn 41.800ha, là vùng đất ngập mặn ven biển. Tuy không đa dạng về chủng loài, nhưng VQG Mũi Cà Mau có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật.
Hệ động vật của VQG Mũi Cà Mau có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản; trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Bồ nông chân xám, giang sen, cò trắng Trung Quốc, rái cá, cầy giông đốm lớn, rùa hộp lưng đen, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ.
VQG Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam được Tổ chức Môi trường thế giới công nhận là Khu Ramsar mới của thế giới; đứng sau Vườn Quốc Xuân Thủy ở tỉnh Nam Định, Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên của Đồng Nai, Hồ Ba Bể ở tỉnh Bắc Kạn và Vườn Quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp.
Nhân sự kiện này, hôm nay (12/4), Diễn đàn “Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa vì sự Phát triển Bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long” cũng đã được tổ chức. 200 đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận về giá trị và tầm quan trọng của việc duy trì các dịch vụ hệ sinh thái tại Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Theo ông Hoàng Việt, Điều phối viên chương trình Biến đổi khí hậu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), việc sử dụng các dịch vụ hệ sinh thái không hợp lý hoặc không có quy hoạch phù hợp đã khiến cho nhiều hệ sinh thái của Đồng bằng hiện nay bị suy yếu hoặc phá hủy. Các hệ sinh thái đang giảm về diện tích, cô lập và thiếu tính liên kết do các hoạt động phát triển kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng các vùng dân cư, ảnh hưởng bởi ô nhiễm do sản xuất và nước thải sinh hoạt.
Theo các chuyên gia môi trường, việc phục hồi và duy trì các hệ sinh thái cũng như dịch vụ hệ sinh thái đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ của các địa phương, đặc biệt là những chính sách liên quan đến quản lý tài nguyên thiên nhiên nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân - những người sống phụ thuộc vào thiên nhiên như trồng lúa, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng cũng đặc biệt quan trọng để giảm thiểu những hoạt động có tác động tiêu cực đến sự khỏe mạnh của các hệ sinh thái. Các cơ chế và công cụ phục vụ cho công tác chi trả cho dịch vụ hệ sinh thái cũng cần được hoàn thiện, chia sẻ và áp dụng rộng rãi.
Hiện, Cục Bảo tồn và đa dạng sinh học, Tổng Cục Môi trường đang soạn thảo Quy hoạch tổng thể đầu tiên về Bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước trong đó tầm quan trọng của bảo tồn và duy trì hệ sinh thái được nhấn mạnh.
Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý ở các vùng đất ngập nước, với mục đích công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.