Toàn xã trồng được gần 200ha rừng ngập mặn và rừng phòng hộ với các loại cây chủ yếu như bần, trang, mắm. Rừng ngập mặn đã phát huy tác dụng chắn sóng, bảo vệ tuyến đê bao không bị xói lở dưới tác động của thủy triều và mùa mưa, lũ; đồng thời điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường vùng NTTS.
Đến nay, xã đã quy hoạch, cải tạo được vùng đầm với diện tích 54,28ha cho 26 hộ gia đình trong và ngoài xã thuê để NTTS. Các hộ dân chủ yếu nuôi các giống thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao giống. Cùng với việc cải tạo, đầu tư phát triển vùng đầm, nhiều hộ dân còn chuyển đổi các vùng canh tác kém hiệu quả, ao nuôi nước ngọt với tổng diện tích 24,2ha để nuôi các giống cá truyền thống và con đặc sản như trắm, trôi, chép, mè, rô phi, ếch xuất khẩu.
Những năm qua, hoạt động NTTS đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Năm 2017 toàn xã có 15/26 hộ nuôi thả hơn 4 triệu con tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp đánh bắt tự nhiên với diện tích là 40,24ha cho nguồn thu hơn 9,5 tỷ đồng; đồng thời, ương nuôi ngao giống với diện tích 14ha. Một số hộ đã thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích cát lót bạt, bước đầu cho giá trị kinh tế cao.
Điển hình như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Nguyễn Đình Thường ở thôn Hải Long. Ông Thường cho biết: Bắt đầu từ tháng 3/2017 gia đình tôi tham gia đấu thầu 3.000m2 vùng đầm, cải tạo thành 2 ao, đưa vào nuôi thả 50 vạn con tôm thẻ chân trắng. Sau hai vụ nuôi trong năm đã cho gia đình nguồn thu 600 triệu đồng. Thấy được lợi thế từ nuôi tôm thẻ chân trắng, năm 2018, gia đình tôi tiếp tục đấu thầu đất và mở rộng diện tích lên 10 ao nuôi với 15.000m2. Từ đầu năm đến nay đã đầu tư, cải tạo được 4 ao, diện tích 6.000m2, đưa vào nuôi thả 1 triệu con tôm thẻ chân trắng. 6 ao còn lại đang tiếp tục được cải tạo để kịp nuôi thả tôm. Hy vọng với những lợi thế của địa phương và lựa chọn được đối tượng nuôi phù hợp, gia đình tôi sẽ có thêm một năm NTTS thắng lợi.
Một trong những giải pháp góp phần thúc đẩy nghề NTTS ở Đông Hoàng phát triển bền vững đó là việc người dân sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn trong quá trình nuôi. Thay vì sử dụng dung dịch hóa chất, kháng sinh để xử lý môi trường thì nhiều hộ nuôi tôm đã sử dụng các chế phẩm sinh học để cho ăn và cải tạo môi trường nhằm bảo đảm chất lượng nước, tạo điều kiện thuận lợi cho con tôm phát triển ổn định, tăng sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí cho người nuôi.
Bà Đinh Thị Tốt, cán bộ lâm sinh thủy sản xã Đông Hoàng cho biết: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà nghề NTTS ở địa phương đang từng bước phát triển ổn định, toàn bộ diện tích đầm, vùng chuyển đổi và ao nước ngọt được nhân dân tập trung sản xuất tối đa. Sản lượng và hiệu quả kinh tế từ lĩnh vực NTTS mang lại đã góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Thời gian tới, địa phương mong muốn tỉnh, huyện cùng các cơ quan chuyên môn tiếp tục có các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân như: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khu vực NTTS; hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao; tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực NTTS… giúp người dân yên tâm sản xuất, mạnh dạn đầu tư, gắn bó với nghề NTTS.