Trước Nghị định 67, năm 1997, Chính phủ cũng ban hành Quyết định 393 về việc hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu công suất lớn. Lúc ấy, Quảng Ngãi được phân bổ 34 chỉ tiêu, nhưng kết quả, chỉ có duy nhất một ngư dân làm ăn hiệu quả, trả nợ đúng hạn. Qua đó, đã đặt ra vấn đề: Vì sao chúng ta không xây dựng một phương án khác?
Chẳng hạn như thiết kế những chiếc tàu tương ứng với ngành nghề và ngư trường sản xuất của các địa phương, sau đó cho ngư dân thuê để vận hành, sử dụng. Báo Quảng Ngãi đã ghi ý kiến của cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về vấn đề này.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn: "Khó khả thi"
Đóng tàu cho ngư dân thuê cũng là một ý tưởng hay, nhưng vấn đề đặt ra là, ai sẽ đóng tàu cho ngư dân thuê? Nhà nước hay các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân? Nếu là Nhà nước, thì sẽ phát sinh thêm bộ máy để quản lý và kiểm soát, vì chiếc tàu là tài sản “động”, thường xuyên di chuyển. Nếu là các tổ chức, cá nhân hoặc DN đứng ra làm trụ cột thì cơ chế thực hiện và quản lý như thế nào? Hơn nữa, việc đóng tàu cho ngư dân thuê cũng phải tính toán hiệu quả và cả ý thức của người vận hành, sử dụng.
Thực tế, Nghị định 67 đã giúp nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh hiện thực hóa ước mơ đóng tàu lớn, vươn khơi xa, nâng cao hiệu quả khai thác. Tuy nhiên, vì tài sản đảm bảo (chính chiếc tàu) chỉ chiếm từ 5 - 30% giá trị món vay, nên xảy ra tình trạng ngư dân có tâm lý ỷ lại, chủ quan trong việc trả nợ ngân hàng. Vì vậy, đóng tàu cho ngư dân thuê mà không lồng ghép chế tài, trách nhiệm thì không khéo, ngư dân lại nghĩ đó là “của cho không”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước và tỉnh ta là một trong 3 địa phương triển khai thí điểm đưa tổ hợp chuỗi liên kết DN - chủ tàu - ngư dân xuất ngoại. Theo đó, DN được Chính phủ giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức tàu đánh bắt viễn dương, nên việc “đóng tàu cho ngư dân thuê” cũng là một trong những nội dung của đề án trên. Vấn đề là, số lượng tàu hiện tại của các địa phương hay quốc gia đã tương ứng với nguồn lợi thủy sản theo hiệp ước ký kết giữa các nước. Vì vậy, việc phát triển đội tàu mới để cho thuê sẽ bị động và khó khăn, khi việc đóng mới tàu chỉ còn dựa vào việc nâng cấp công suất hoặc đóng thay thế.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang Đỗ Thanh Tú: “Doanh nghiệp tham gia khi có Nhà nước bảo lãnh"
Trước đây, Nhà nước cũng đã từng giao cho một đơn vị đóng mới 20 chiếc tàu vỏ thép, để cho ngư dân thuê. Kết quả, chỉ có 1 chiếc hoạt động hiệu quả, 19 chiếc còn lại được ngư dân trả lại cho DN, vì làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân là do ngư dân không đủ năng lực và thiếu chuyên nghiệp trong quá trình vận hành, sử dụng. Thậm chí, một số ngư dân sử dụng tàu để khai thác hải sản theo kiểu “được dùa, thua chạy”, vì đó không phải tài sản của mình! Ngoài ra, đóng tàu cho ngư dân thuê cũng là một hình thức cho thuê tài chính, nên phụ thuộc rất lớn vào ý thức làm việc để trả nợ của ngư dân.
Trong khi đó, nghề cá của chúng ta hiện nay là “nghề cá nhân dân”, tức tàu thuyền hoạt động nhỏ lẻ, thiếu tính cộng đồng, cơ sở hạ tầng yếu kém và khai thác chưa gắn với bảo tồn, phát triển. Vì vậy, để việc đóng tàu cho ngư dân thuê không lâm vào vết xe đổ như trên, trước hết phải “hiện đại hóa” trình độ và ý thức sản xuất của ngư dân. Cùng với đó, cần thành lập các công ty đánh cá, những “đầu tàu” có trình độ quản trị, tổ chức hoạt động và tính toán hiệu quả sản xuất theo kinh tế thị trường, để xóa tâm lý làm ăn kiểu “chim trời cá nước”.
Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Phan Huy Hoàng: Xây dựng phương án thí điểm và đánh giá tính khả thi
Đóng tàu cho ngư dân thuê là chuyện đáng để bàn và xem xét, vì thực tế, đây cũng là một cách xã hội hóa đầu tư nghề cá. Về nguồn vốn, có thể huy động từ các tổ chức tín dụng hoặc DN. Nhưng trước hết, phải đóng vài chiếc tàu thí điểm cho ngư dân thuê.
Hiện nay, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh cũng là một kênh vay vốn của ngư dân. Thực tế, đã cho 45 ngư dân vay vốn (với lãi suất thấp) để đóng tàu, với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng. Qua đánh giá, hầu hết các tàu làm ăn hiệu quả, ngư dân chấp hành rất tốt việc trả gốc và lãi. Đây là kết quả của việc ngư dân biết tính toán làm ăn, đóng tàu phù hợp với năng lực, ngành nghề và khả năng sản xuất của mình, chứ họ không làm theo phong trào. Hơn nữa, tuy lãi suất vay thấp, nhưng vẫn là vốn vay thuần túy, chứ không phải vốn hỗ trợ, nên ngư dân có ý thức trong việc sử dụng tài sản cũng như trách nhiệm trả nợ theo cam kết.
Ngoài ra, đóng tàu cho ngư dân thuê cũng là một kênh đầu tư sinh lời, nên Nhà nước có thể nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách riêng, để thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, DN tham gia. Vấn đề là, người cho thuê tàu và ngư dân phải sòng phẳng trong quá trình thực hiện. Đó là, hợp đồng thuê tàu phải chặt chẽ, đảm bảo tính pháp lý và tuân theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, hài hòa về lợi ích và rủi ro, tránh tình trạng bắt chẹt nhau.
Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT - Chi nhánh Quảng Ngãi Nguyễn Thiên Phiến: “Ngân hàng không thể mạo hiểm”
Theo Nghị định 67, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần lãi suất cho ngư dân vay đóng mới tàu cá, còn việc xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho vay là trách nhiệm của các ngân hàng thương mại. Còn ngư dân có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và chấp hành việc trả gốc, lãi đúng hạn cho ngân hàng, theo hợp đồng tín dụng. Vì vậy, thực tế, đây cũng là một hình thức đầu tư của các ngân hàng thương mại, nên khi bố trí nguồn vốn tham gia Nghị định 67, ngân hàng khá thận trọng trong việc thẩm định năng lực sản xuất của ngư dân, cũng như hiệu quả của ngành nghề khai thác. Chính vì vậy, 11 chiếc tàu mà Ngân hàng Argibank Quảng Ngãi cho vay đóng mới, với tổng dư nợ 128,5 tỷ đồng đều hoạt động hiệu quả, ngư dân trả nợ và gốc đầy đủ, chưa phát sinh nợ quá hạn.
Tuy nhiên, đối với vấn đề đóng tàu cho ngư dân thuê, ngân hàng khó thực hiện, mặc dù đây cũng là một kênh đầu tư, có khả năng sinh lời. Nguyên nhân là ngân hàng rất khó xác định được khả năng trả nợ của ngư dân. Vì ngoài những yếu tố như thời tiết, thị trường tiêu thụ, doanh thu khai thác hải sản còn phụ thuộc rất lớn vào bản thân ngư dân. Ngoài ra, sản xuất trên biển tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nên bảo hiểm chính là “phao cứu sinh” cho cả ngư dân và ngân hàng. Nếu đóng tàu cho ngư dân thuê, thì ai sẽ mua bảo hiểm, ngư dân hay người cho thuê tàu? Đó là chưa kể, các đơn vị bảo hiểm cũng chưa sòng phẳng trong việc chi trả tiền bảo hiểm khi ngư dân gặp rủi ro, nên ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngân hàng.