Sản xuất theo chuỗi
Xuất phát kinh doanh từ một quán ăn nhỏ và nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ cá thát lát ở người tiêu dùng rất lớn, nhưng ngán ngại nhất là cá thát thát rất nhiều xương chỉ có thể sử dụng làm chả và cá thát lát ướp sả ớt. Để người tiêu dùng khi ăn loại cá này không phải bị vướng xương cá nên bà Nguyễn Kim Thùy, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, chủ cơ sở sản xuất cá thát lát Kỳ Như, đã mày mò, nghiên cứu làm sao loại bỏ xương mà cá vẫn còn nguyên vẹn. Cuối cùng bà đã thành công và cho ra sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị để phục vụ khách hàng và được khách hàng ưa thích. Qua thời gian, số lượng tiêu thụ ngày càng nhiều, từ đó bà đã nghĩ đến việc phải đăng ký nhãn hiệu. Với sản phẩm chủ lực của cơ sở là cá thát lát rút xương tẩm gia vị, từ khi có nhãn hiệu hàng hóa đến nay, sản phẩm cá thát lát ngày càng vươn xa. Bên cạnh đó, cơ sở còn đầu tư các thiết bị máy móc, áp dụng các tiến bộ của công nghệ vào chế biến, đầu tư máy đóng gói để sản phẩm thêm bắt mắt.
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở thu mua từ 600kg nguyên liệu cá thát lát tươi để chế biến. Cá thát lát thương phẩm được mua với giá 60.000-70.000 đồng/kg (loại từ 300-500 gram/con). Hàng ngày, cơ sở cung ứng cho thị trường 300kg cá thành phẩm và trung bình mỗi tháng khoảng 10 tấn cá thành phẩm cung cấp cho một số siêu thị như: Siêu thị Lotte Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Tứ Sơn, Châu Đốc, tỉnh An Giang và siêu thị Metro ở thành phố Cần Thơ và các tỉnh như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… với sản phẩm đóng gói từ 200-500 gram/túi. Mỗi ký cá thát lát rút xương hiện có giá 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, cơ sở thu lợi nhuận 80 triệu đồng/tháng.
Để chủ động nguồn nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc cá thát lát, hiện tại cơ sở đã đầu tư một ao nuôi có diện tích 1.000m2 để thả nuôi 35.000 con giống. Ngoài ra, cơ sở còn hợp đồng thu mua với những hộ nuôi cá đúng theo quy trình sạch, an toàn từ con giống đến quá trình chăm sóc. Dự kiến sắp tới, cơ sở sẽ mở rộng hợp đồng với những hộ nuôi cá giống nhằm cung cấp con giống đạt chuẩn cho các hộ dân, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Hiện tại, cơ sở Kỳ Như đã liên kết với hàng chục nông dân, mỗi hộ nuôi từ 200-300m2 mặt nước. Cơ sở sẽ cung cấp con giống sạch và buộc người nuôi theo quy trình sạch do cơ sở đề ra với nguyên tắc sản phẩm đầu ra sạch bệnh, an toàn và cơ sở sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm theo giá cao nhất của thị trường. Bên cạnh đó, còn hợp đồng với khoảng 3 trang trại nuôi cá thát lát với quy mô lớn, hàng năm cung ứng trên 100 tấn cá/trang trại để đảm bảo nguồn nguyên liệu. Để không bị đọng nguồn cá chế biến, cơ sở còn có nguồn cá tại 5 ao, mỗi ao trên 1.000m2 để dự phòng khi nguồn nguyên liệu khan hiếm. Chính cách này đã giúp trên 40 lao động có việc làm thường xuyên, mỗi công nhân được trả lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng.
Thực hiện quy trình sạch, an toàn
Bà Như cho biết: “Tôi có suy nghĩ cá thát lát được sử dụng chế biến nhiều món ăn rất ngon như cá thát lát chiên tươi, nướng, sốt chua ngọt, sốt tiêu xanh, sốt me, nấu lẩu… Và hiện nay người tiêu dùng hướng đến sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chính vì thế, phải đảm bảo quy trình sạch và an toàn từ con cá giống cho đến bàn ăn”.
Theo ngành chức năng, an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người. Thực phẩm an toàn đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe con người, nâng chất lượng cuộc sống và chất lượng giống nòi. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh do thực phẩm kém chất lượng gây ra không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của mỗi người, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế, là gánh nặng chi phí cho chăm sóc sức khỏe. Thời đại kinh tế thị trường hiện nay, cùng chất lượng cuộc sống xã hội ngày càng được nâng cao qua từng thời kỳ, đi kèm sự phát triển với những hệ lụy của nó mang lại cũng rất lớn. Một bộ phận trong xã hội vì nhu cầu lợi nhuận cũng như những thiếu hiểu biết về an toàn vệ sinh thực phẩm mà vô hình họ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng, cũng như mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo bà Như, để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, sản phẩm của cơ sở thực hiện chuỗi khép kín từ khâu nuôi đến khâu chế biến và đến tay người tiêu dùng. Đảm bảo chất lượng nguồn gốc rõ ràng không chứa các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng ngoài chủ động nguồn cá nguyên liệu tại chỗ từ khâu ươm giống, nuôi thương phẩm đến chế biến. Cơ sở còn xây dựng được vùng nguyên liệu tại chỗ bằng việc liên kết với nông dân trong tỉnh nuôi và cung ứng khoảng 15 tấn cá nguyên liệu mỗi tháng. Bởi cá thát lát còm của Hậu Giang chất lượng rất tốt.
Hiện tại cơ sở đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các cơ sở trong tỉnh và giao cho các đại lý, siêu thị ngoài tỉnh lân cận. Mong muốn sẽ mở rộng thị trường sang nhiều tỉnh, thành còn lại trong cả nước, cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Bà Như trăn trở: “Hiện nay, cũng có rất nhiều cơ sở sản xuất cá thát lát rút xương tẩm gia vị thành lập nhưng để thực hiện thành công và có thương hiệu riêng của mình thì phải đầu tư kiến thức sao cho sản phẩm mới lạ, không xương, hợp khẩu vị với nhiều người và là mặt hàng sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chính vì thế, phải đảm bảo quy trình sạch và an toàn từ con cá giống cho đến bàn ăn. Tuy nhiên, để thành công phải tốn nhiều vốn vì đầu tư trang thiết bị khá cao, mỗi lần mua cá để chế biến phải mua từ 3-5 tấn/ao, chi phí hơn 100 triệu đồng. Khó nhất là việc xử lý, mổ cá không bị rách để cá có dáng hình đẹp. Đồng thời, để bắt mắt cơ sở còn đầu tư cho quy trình đóng gói và mẫu mã bao bì. Hiện nay, ngoài thị trường có nhiều mặt hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc nên cạnh tranh về giá cả gây khó khăn cho cơ sở…”.