Theo kế hoạch, từ ngày 7-8/11, Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ làm việc tại tỉnh Kiên Giang, kiểm tra về việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh về chống khai thác IUU tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan vừa có chuyến thị sát Tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), chỉ đạo hoàn thiện các khâu cuối cùng để chuẩn bị cho công tác đón đoàn EC.
Ông Mai Anh Nhịn chỉ đạo, các ngành chức năng và địa phương có liên quan cần tập trung thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU. Đây không chỉ để chuẩn bị đón tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC mà còn là nề nếp để chúng ta tiếp tục thực hiện lâu dài về sau này. Qua đó nhằm hiện đại hóa nghề cá của tỉnh, vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, vừa khắc phục được thẻ vàng của EC.
“Đến thời điểm này, sau khi đi kiểm tra, tôi thấy trước nhất là tình hình vệ sinh môi trường, hồ sơ, quy trình kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chứng nhận nguồn gốc thủy sản… đã có những chuyển biến tốt. Về thủ tục hồ sơ nhìn chung là khá” - ông Nhịn đánh giá.
Sau 2 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp chế biến hải sản tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục các điểm yếu theo khuyến nghị của EC. Trong tháng 11/2019, Đoàn Thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam lần thứ 2 để kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các khuyến nghị mà phía EC đưa ra trước đó đối với hải sản khai thác của Việt Nam được áp dụng từ ngày 23/10/2017.
Ông Nhịn cũng yêu cầu Ban Quản lý Cảng cá, Bến cá tỉnh, UBND huyện Châu Thành cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác vệ sinh môi trường kể cả bên trong cảng và xung quanh cảng. Lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông cần phối hợp sắp xếp và xử lý các loại xe cộ đậu đỗ bừa bãi trong khu vực cảng. Chi cục Thủy sản tỉnh cần chủ động phối hợp với Tổng cục Thủy sản để thống nhất vận hành hệ thống giám sát tàu cá, đồng thời nâng cấp đường truyền mạng Internet cho mạnh hơn để phục vụ đoàn EC kiểm tra được tốt nhất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn kiểm tra công tác kiểm tra, giám sát hành trình tàu cá tại Cảng cá Tắc Cậu.
Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3.990 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, thuộc diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó tàu có chiều dài từ 25 m trở lên là 618 chiếc. Tính đến ngày 30/10, tỉnh Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.030 tàu, có chiều dài từ 15 m trở lên, chiếm 75,9%. Riêng tàu có chiều dài lớn nhất từ 24 m trở lên đã lắp đặt được 562 tàu, đạt 90,9%.
Các hệ thống quản lý tàu cá chung của tỉnh do 5 đơn vị cung cấp gồm: VNPT, Viettel, Zunibal, Vishipel và An Bình. Qua đó, đã lắp đặt và đưa lên hệ thống phần mềm chung 2.780 tàu. Tất cả các tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động khai thác hải sản trên biển đều được Chi cục Thủy sản giám sát hàng ngày và điện yêu cầu đưa tàu quay về khi vượt ranh giới vùng biển Việt Nam.
Thực hiện Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã ra quân tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên tuyền và xử lý nghiêm các tàu vi phạm khai thác IUU. Qua đó, đã lập biên bản vi phạm hành chính 54 phương tiện, xử phạt số tiền trên 1,1 tỷ đồng với các hành vi vi phạm như: khai thác sai vùng; thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định; không có sổ nhật ký khai thác thủy sản…