Sống ở độ sâu từ 200 tới 1.000 m dưới đại dương, cá mập đèn lồng (Etmopterus spinax) là loài động vật biển cỡ nhỏ với thân giống hình trụ. Chiều dài thân của phần lớn cá mập đèn lồng trưởng thành vào khoảng 45 cm, song chiều dài của một số con có thể đạt tới 60 cm.
Giới khoa học biết rất ít về cá mập đèn lồng. Họ chỉ biết rằng chúng có khả năng phát sáng giống như nhiều loài sống trong tầng nước sâu. Một nghiên cứu trước đây cho thấy cá mập đèn lồng sở hữu những tế bào phát sáng (photophore) ở vùng bụng. Chúng sử dụng ánh sáng từ vùng bụng để ngụy trang.
"Hãy tưởng tượng bạn bơi ở phía dưới cá mập đèn lồng. Do ánh sáng từ mặt trời, bạn sẽ thấy một khoảng tối phía dưới bụng của cá mập. Nếu bụng của cá mập cũng phát sáng, khoảng tối bên dưới chúng sẽ biến mất. Những con cá nhỏ thường lẩn trốn nếu chúng thấy bóng của cá mập đèn lồng, song nếu bóng đen biến mất, chúng sẽ không biết cá mập đang ở ngay phía trên. Nhờ vậy cá mập sẽ có cơ hội bắt mồi", tiến sĩ Julien Claes, một nhà sinh học của Đại học Công giáo Louvain tại Bỉ, phát biểu.
Song một nghiên cứu mới của Claes và các cộng sự chứng minh rằng phần sống lưng của của cá mập đèn lồng cũng phát quang nhờ những tế bào có khả năng tạo ánh sáng, BBC đưa tin.
"Cá mập đèn lồng có hai gai xương nhọn và mỗi gai nằm ở phía trước một vây lưng. Các tế bào phát quang nằm ở ngay phía sau các gai xương đó", Claes nói.
Các thử nghiệm cho thấy những động vật săn mồi có thể thấy ánh sáng trên sống lưng cá mập từ khoảng cách vài mét. Ngược lại, những con mồi của cá mập chỉ nhìn thấy ánh sáng ở khoảng cách 1,5 m - cự li quá gần nên khả năng lẩn trốn rất thấp.
Nhóm nghiên cứu kết luận rằng ánh sáng trên sống lưng cá mập đèn lồng thực hiện chức năng đe dọa những động vật săn mồi.
"Đó là cách cá mập đèn lồng cảnh báo động vật săn mồi rằng chúng là những có gai xương và tấn công chúng là hành động dại dột", Claes bình luận.