Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thông tin về Ethoxyquin
Theo báo cáo phân tích của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiquad), Ethoxyquin là chất chống oxy hóa tổng hợp, thường được sử dụng như một chất bảo quản chống oxy hóa trong thức ăn chăn nuôi, bảo quản sau thu hoạch đối với trái cây như táo, lê, ngăn chặn sự mất màu do quá trình oxy hóa của các sắc tố carotenoid tự nhiên trong sản xuất ớt bột. Trong thức ăn thủy sản có chứa nhiều acid béo không no, Ethoxyquin được sử dụng như chất bảo quản chống oxy hóa. Đối với động vật nuôi, Ethoxyquin có khả năng làm tăng men gan, suy giảm chức năng gan, thận, giảm khả năng sinh sản. Tuy nhiên vẫn chưa xác định được tác hại tương ứng đối với con người.
Tùy vào mục đích sử dụng của Ethoxyquin trong thức ăn chăn nuôi hay thực phẩm mà mức quy định liều lượng khác nhau. Chẳng hạn như thị trường EU, đối với thức ăn chăn nuôi thì cho phép sử dụng Ethoxyquin như là chất bảo quản chống oxy hóa với MRL là 150ppm. Khi Ethoxyquin được xếp vào nhóm thuốc bảo vệ thực vật thì EU quy định MRL trong tất cả các sản phẩm thực vật, động vật trên cạn, lưỡng cư, bò sát là 0,05ppm, đối với sản phẩm thủy sản là 0,01 ppm. Ở Mỹ, đối với thức ăn chăn nuôi, Hoa Kỳ cũng cho phép sử dụng Ethoxyquin và quy định MRL là 150 ppm. Ở Nhật Bản, đối với thức ăn cho tôm, Nhật Bản cho phép MRL tối đa là 150 ppm. Đối với thủy sản, quy định mức giới hạn tối đa cho phép Ethoxyquin trong cá là 1,00 ppm, các sản phẩm giáp xác là tôm, cua là 0,01 ppm. Còn ở Việt Nam, hiện chưa quy định về thành phần và mức giới hạn tối đa cho phép đối với Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản.
Chương trình kiểm soát Ethoxyquin của Nhật Bản
Hàng năm, Nhật Bản xây dựng và thực hiện Chương trình giám sát an toàn thực phẩm nhập khẩu. Việc Nhật Bản áp đặt kiểm tra giám sát chỉ tiêu dư lượng Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam là dựa trên đánh giá nguy cơ. Theo Chương trình giám sát an toàn thực phẩm năm 2012 (điều chỉnh ngày 18/5/2012), cơ quan thẩm quyền Nhật Bản tiếp tục kiểm tra các lô tôm Việt Nam nhưng chưa cảnh báo bất kỳ lô hàng thủy sản nhập khẩu nào của Việt Nam do phát hiện Ethoxyquin.
Đến ngày 29/5/2012, đại diện Hội đồng Vệ sinh Thực phẩm Thủy sản Nhật Bản đã sang và làm việc với Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, và thông báo về việc phát hiện dư lượng Ethoxyquin (0,02ppm) trong 1 mẫu sản phẩm tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam trong chương trình lấy mẫu giám trên thị trường. Do vậy, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định áp dụng chế độ kiểm tra 30% lô hàng tôm nuôi nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu Ethoxyquin với mức giới hạn tối đa là 0,01ppm. Nếu phát hiện thêm 2 lô hàng vi phậm sẽ áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng và nếu có quá 5% lô hàng vi phạm trong tổng số 60 lô hàng được kiểm tra sẽ xem xét việc cấm nhập khẩu.
Theo đánh giá của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền, việc Nhật Bản cho phép sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn cho tôm và không cho phép tồn dư Ethoxyquin trong sản phẩm tôm nuôi là quá chặt chẽ. Hội đồng Vệ sinh Thực phẩm Thủy sản Nhật Bản đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xem xét lại vấn đề này. Tuy nhiên, quy trình đánh giá, xác định MRL của Ethoxyquin trong sản phẩm thực phẩm đòi hỏi thời gian từ 2-3 năm. Hội đồng Vệ sinh thực phẩm Nhật Bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản kiến nghị với Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xem xét sửa đổi MRL đối với Ethoxyquin trong thủy sản.
Giải pháp rà soát và khuyến cáo
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có công văn số 1787/BNN-QLCL, ngày 13/6, về việc tăng cường kiểm soát Ethoxyquin trong sản xuất kinh doanh thủy sản và thức ăn thủy sản. Theo đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Thủy sản kiểm tra, rà soát, lập danh mục các sản phẩm thức ăn thủy sản có chứa Ethoxyquin (cả sản xuất trong nước và nhập khẩu) báo cáo Bộ trước ngày 15/8, đồng thời đề xuất và trình Bộ xem xét quy định mức giới hạn tối đa cho phép của Ethoxyquin trong thức ăn thủy sản, các biện pháp kiểm soát sử dụng Ethoxyquin trong sản xuất thức ăn thủy sản, khuyến cáo các cơ sở nuôi cách sử dụng Ethoxyquin.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thành lập đoàn công tác sang làm việc với phía Nhật Bản nhằm đề nghị Nhật Bản rà soát, sửa đổi các quy định về giới hạn cho phép của Ethoxyquin, Trifluralin, Enrofloxacin trong thực phẩm thủy sản dựa trên đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm.