Giá trị gia tăng thấp
Theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay cá tra Việt Nam đang thống lĩnh thị trường thế giới với 90% thị phần. Sản phẩm cá tra đã có mặt ở 142 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch XK cá tra ngày một tăng, năm 2013 đạt 1,76 tỷ USD.
Các thị trường chính tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam gồm: Mỹ, châu Âu, ASEAN, Trung Quốc, Hồng Kông, Mexico, BraziL, Ai Cập, Arập Xêut, Colombia, Australia, chiếm tỷ trọng 77,5% tổng giá trị XK cá tra năm 2013. Trong số 10 thị trường NK chính của cá tra Việt Nam thì có 7 thị trường giảm NK cá tra trong những năm gần đây, trong đó giảm mạnh nhất là EU và Arập Xêut; các thị trường còn lại là Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông, Ai Cập tăng lần lượt là 8,2%; 31,5% và 29,1%, tuy nhiên mức tăng này đều thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đó.
Theo đánh giá của Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, hiện ngành cá tra đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Đó là phát triển cá tra trong 15 năm qua mang tính chất tự phát, thiếu sự liên kết, không có sự định hướng phát triển kịp thời của các cơ quan quản lý Nhà nước. Giữa các DN cùng chế biến một loại sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh đã diễn ra cạnh tranh gay gắt bằng cách hạ giá bán.
Các sản phẩm chế biến từ cá tra nhìn chung còn đơn điệu mà chủ yếu là sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh chiếm đến trên 92% (phi lê, nguyên con, cắt khúc), số còn lại 8% cũng chỉ là các sản phẩm có hình thức khác hơn một ít so với phi lê. Loại sản phẩm GTGT như sản phẩm cao cấp, chế biến sâu, phối chế, làm sẵn, ăn liền tuy bước đầu có sản xuất (cá kho tộ, viên, chả cá, chà bông, bánh phồng, khô ăn liền...) với số lượng còn rất hạn chế.
Các phụ phẩm trong chế biến cá tra tuy đã tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như dầu cá, bột cá... nhưng những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm như tinh collagen, gelatine, thực phẩm chức năng chứa vi chất... có hàm lượng khoa học công nghệ và giá trị gia tăng cao chưa nhiều.
Giải pháp cho ngành cá tra
Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối đề nghị các DN cá tra cần nâng cao giá trị gia tăng trong khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm tập trung vào 4 nội dung chính như sau: Tổ chức sản xuất ngành cá tra theo chuỗi giá trị; chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh, chế biến phụ phẩm cá tra ra các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm có giá trị cao; đầu tư công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại.
Bên cạnh đó, cần mở rộng thị trường XK cá tra ở những thị trường mới nổi, củng cố và ổn định thị trường XK truyền thống. Thị trường nội địa với 90 triệu người tiêu dùng là thị trường có tiềm năng rất lớn nhưng hiện nay chỉ tiêu thụ khoảng 10.000 tấn cá tra/năm. Nếu giá cả thích hợp và sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì hằng năm có thể tiêu thụ 100.000 tấn sản phẩm cá tra các loại vào năm 2020.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, để giúp ngành cá tra phát triển bền vững, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ DN như triển khai thực hiện tốt Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá tra và Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cần nghiên cứu thành lập quĩ phát triển cá tra riêng với chính sách tín dụng và lãi suất linh hoạt như cho vay theo từng thời điểm sản xuất, tăng tỷ lệ cho vay theo giá thị trường của tài sản thế chấp.
“Theo Nghị định 36/2014/NĐ-CP, Hiệp hội cá tra Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện đăng ký hợp đồng XK và thống kê tình hình nuôi, chế biến và XK cá tra. Do đó, Hiệp hội đã có công văn số 40/HHCTVN.14-VP ngày 26-5-2014 đề nghị DN nuôi, chế biến và XK cá tra cung cấp thông tin trước ngày 6-6-2014. Mục đích nhằm tổng hợp danh sách các DN trong ngành hàng cá tra gửi đến Tổng cục Hải quan và căn cứ vào danh sách này để đăng ký hợp đồng XK cho DN”, ông Võ Hùng Dũng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết.
Theo luật sư Ngô Quang Thụy- Công ty Luật thương mại NT, thách thức lớn nhất đối với XK cá tra Việt Nam sắp tới là Chương trình Thanh tra cá da trơn trong Luật Nông Trại của Bộ Nông nghiệp Hoa Kì (USDA) do nhắm trực tiếp vào cá tra Việt Nam. Nếu Chương trình này được thực hiện, cá tra Việt Nam sẽ không được phép NK vào Hoa Kì cho đến khi Việt Nam nhận được quyết định “Equivalency” - Tính tương đồng trong nuôi cá da trơn giữa trang trại ở Hoa Kì và Việt Nam của USDA. "Equivalency" có thể mất từ 3-4 năm, nhưng thực tế có thể kéo dài từ 7-10 năm.
Giải pháp cho vấn đề này theo Luật sư Thụy là Chính phủ và các Hiệp hội thủy sản ở Việt Nam cần đưa vấn đề này ra là một điều kiện đàm phán trong Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), tìm kiếm đồng minh với các nhà NK, các siêu thị, nhà bán lẻ cá tra tại Hoa Kì và thuê luật sư để tranh luận về khả năng Chương trình này vi phạm các điều khoản trong Hiệp định kiểm định động thực vật trong WTO.