So lợi nhuận không bằng năm 2015, bởi cá nuôi chỉ bán với giá 19.200 đồng/kg, cao hơn 200 đồng so với giá thị trường, theo hợp đồng liên kết bao tiêu với Công ty Thuận An, thế nhưng, niềm vui trong vụ này của ông Nguyễn Văn Tấn - người nuôi cá xã Mỹ Phú, Châu Phú, An Giang là không hề nhỏ.
5 ao nuôi cá của ông Tấn ước thu hoạch hơn 1.000 tấn cá, thay vì phải đợi chờ, thậm chí lo lắng chịu lỗ đến vài ba ngàn đồng mỗi kg do cá quá lứa như bao hộ nuôi cá khác, thì hiện tại doanh nghiệp đang thu mua theo đúng cam kết.
Chiết tính theo quy trình nuôi cá tra VietGAP, giá thành trung bình mỗi kg khoảng 19.000 đồng, bao gồm 17.000 đồng cho 1,7 kg thức ăn, 1.500 đồng con giống và 500 đồng cho quản lý chăm sóc. Lợi thế nhất vẫn là ít tốn, thậm chí không tốn khoản chi phí dùng thuốc thú y thủy sản.
“Nuôi theo quy trình GAP, cá sẽ bảo đảm chất lượng, thứ hai chi phí của họ sẽ giảm lại” - ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang cho biết.
Giảm giá thành, nâng cao chất lượng theo hướng sạch và an toàn là lợi thế để cạnh tranh đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam. Chính vì vậy, việc hướng cho nông dân tập trung sản xuất theo chương trình VietGAP là hết sức cần thiết, đặc biệt trong tình hình cá tra xuống thấp như hiện nay. Đây sẽ là cách nuôi hiệu quả nổi trội về lâu về dài, nâng cao giá trị và vị thế mặt hàng cá tra chế biến xuất khẩu.