Năm 2018, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của xã đạt 7.285 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 4.575 tấn; nuôi trồng đạt 2.710 tấn (cá nước ngọt 205 tấn, ngao 2.505 tấn).
Khai thác hải sản vừa là nghề truyền thống, thế mạnh của Giao Hải nên đội tàu khá phát triển. Toàn xã hiện có 170 phương tiện khai thác; trong đó có trên 90 tàu có công suất máy từ 90-320CV được trang bị hệ thống ngư lưới cụ đồng bộ đảm bảo thường xuyên bám biển khai thác khắp các ngư trường từ Thanh Hóa đến Hải Phòng và gần 80 thuyền, mảng nhỏ khai thác gần bờ đi về trong ngày. Để nâng cao hiệu quả chuyến biển và kịp thời ứng cứu, hỗ trợ nhau trên biển, xã Giao Hải đã vận động thành lập được 11 tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển.
Anh Trần Văn Dương, xóm 6, chủ tàu khai thác công suất máy 240CV đóng năm 2016 trị giá trên 1 tỷ đồng cho biết: Đối với những tàu có công suất từ 90CV trở lên thường sử dụng từ 3-4 lao động với tiền công bình quân 400 nghìn đồng/người/ngày. Tùy thời tiết, mỗi chuyến biển của các tàu khai thác xa bờ trang bị hệ thống ngư lưới cụ có trị giá từ 200-300 triệu đồng thường kéo dài trong 2-3 ngày; mỗi tháng đi từ 8-10 chuyến biển, mỗi chuyến bình quân khai thác được khoảng 1,5-2 tạ tôm, cá. Sau khi trừ chi phí, thực tế thu nhập của mỗi chủ tàu thường đạt từ 400-500 triệu đồng/năm. Một số chủ tàu có kinh nghiệm, trang bị hệ thống ngư lưới cụ hiện đại đã có mức thu nhập thực tế trên 500 triệu đồng/năm như hộ các ông: Phạm Văn Phàn, xóm 8; Trần Văn Măng, xóm 18; Nguyễn Duy Phiên, xóm 15...
Bên cạnh các tàu khai thác xa bờ, gần 80 thuyền, mảng khai thác gần bờ trong ngày cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Với ưu điểm mức đầu tư thấp, chỉ từ 100-120 triệu đồng/thuyền, mỗi thuyền tối đa chỉ 2 lao động, lại đi về trong ngày nên mức tiêu hao nhiên liệu và các loại chi phí thấp hơn các tàu khai thác xa bờ. Ngoài khai thác các loại cá nhỏ, bề bề, vụ sứa năm 2019 (bắt đầu từ tháng 1 đến hết tháng 4), hầu hết các thuyền gần bờ đều tham gia khai thác với sản lượng từ 2-3 tấn/chuyến; mỗi ngày khai thác từ 2-3 chuyến. Với giá bán bình quân khoảng 1.500 đồng/kg, nhiều chủ thuyền gần bờ như các ông: Lê Văn Tình, xóm 5; Trần Văn Tiến, xóm 6; Đặng Văn Tuyến, xóm 11... đã có thu nhập thực tế trên 100 triệu đồng/vụ. Khoảng chục năm trở lại đây, số phương tiện đánh bắt nhiều nên lượng hải sản khai thác mỗi ngày cũng tăng lên với đa dạng chủng loại, nhu cầu của thị trường về hải sản tươi sống cũng tăng cao, thương lái đã ra tận mép nước thu mua ngay khi thuyền vừa về bến.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hỗ trợ phát triển nghề đánh bắt, chợ cá Giao Hải đã được đầu tư phát triển ngày càng sôi động. Mỗi ngày, chợ cá Giao Hải họp đều đặn 2 phiên vào đầu giờ sáng và đầu giờ chiều theo cữ thuyền về. Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện hiện nay, tuyến đê biển xã Giao Hải đã được kè bê tông kiên cố cả ở phía biển và trong đồng, mặt đê được cứng hóa toàn bộ. Cùng với đó là hệ thống đường giao thông nông thôn cũng được chú trọng tu sửa, nâng cấp thuận tiện cho việc lưu thông. Đó là những yếu tố hỗ trợ quan trọng để chợ cá Giao Hải ngày càng phát triển, mỗi phiên thu hút hàng trăm lượt thương lái từ khắp các nơi trong huyện, trong tỉnh và ngoài tỉnh về tận nơi thu mua hải sản phân phối đi các nơi. Chợ cá đã giúp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trung bình 300-400 nghìn đồng/người/ngày. Không chỉ nghề đánh bắt, nghề chế biến thủy, hải sản tại địa phương cũng ngày càng phát triển với các sản phẩm chủ yếu là cá mai khô, tôm khô, tép khô, sứa, nước mắm, mắm tôm…
Đồng chí Trần Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND xã Giao Hải cho biết: kinh tế biển đã trở thành mũi nhọn đột phá trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chiếm tỷ trọng từ 33-35% tổng thu nhập trên địa bàn của xã. Riêng lĩnh vực khai thác tạo việc làm cho khoảng 400 lao động chính và gần 1.000 lao động dịch vụ, thời vụ. Nhờ đó, năm 2018, bình quân thu nhập đầu người của xã đã được nâng lên mức 42,2 triệu đồng/người.