Vụ bắt giữ người đàn ông buôn lậu rùa diễn ra tại một sân bay ở Bangkok vào ngày 30/3, Geek đưa tin. Khi lục soát chiếc túi mà người đàn ông mang theo, cảnh sát phát hiện 54 con rùa lưỡi cày còn nhỏ. Đây là một con số gây sốc với giới bảo tồn, bởi họ biết rằng số lượng rùa lưỡi cày, loài động vật đặc hữu của quốc đảo Madagascar, còn sống chỉ vào khoảng 400. Như vậy, số rùa lưỡi cày mà người đàn ông mang theo chiếm hơn 10% tổng số cá thể loài trên hành tinh.
Ngoài ra, chiếc túi còn chứa 21 con rùa Radiated. Đây cũng là một loài rùa cạn quý hiếm đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Giới chức xác định một phụ nữ 25 tuổi đứng tên chiếc túi. Người phụ nữ này bay từ Madagascar tới Bangkok. Nhưng điều khiến cảnh sát ngạc nhiên là người đàn ông có thể lấy chiếc túi dù anh ta không phải là hành khách trong chuyến bay. Thực tế đó cho thấy hai khả năng: hoạt động kiểm tra an ninh ở sân bay lỏng lẻo hoặc ai đó đã giúp kẻ buôn lậu lấy chiếc túi.
Rùa lưỡi cày, hay rùa Madagascar, là loài rùa sống trong những khu rừng khô trên quốc đảo Madagascar. Yếm của chúng vươn cong về phía cổ họng nên nó có hình dạng giống lưỡi cày. Vòm mai của chúng khá cao, màu nâu nhạt. Chiều dài thân trung bình của con đực vào khoảng 43-48 cm, còn trọng lượng trung bình khoảng 10,3 kg. Con cái nhỏ hơn, với chiều dài thân trung bình chừng 37 cm và trọng lượng trung bình khoảng 8,8 kg. Thức ăn của chúng là thực vật (rễ, củ, lá, thân) và phân động vật. Giới khoa học lo ngại rùa lưỡi cày sẽ tuyệt chủng sau 10 tới 15 năm nữa.
Mạng lưới TRAFFIC cho rằng phần lớn người dân mua rùa lưỡi cày để nuôi. Đây là điểm sáng duy nhất trong tương lai u ám của chúng, bởi nếu là động vật cảnh, chúng sẽ không thể chết nhanh và dễ dàng như những con vật bị bán cho các nhà hàng hay hiệu thuốc cổ truyền. Chỉ trong vòng ba năm qua, giới chức Thái Lan đã phát hiện hơn 4.300 con rùa nước và rùa cạn khi những kẻ buôn lậu vận chuyển chúng qua các sân bay.