Đây là một trong những chương trình nằm trong "Sáng kiến liên minh Hạ Long - Cát Bà". Chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình không những tạo sinh kế nâng cao thu nhập cho người dân, gia tăng sức hút về du lịch, mà còn góp phần quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên biển.
Gia đình ông Vũ văn Phiên (hộ nuôi trồng thủy sản, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là một trong 7 hộ dân đầu tiên được tham gia mô hình thí điểm nuôi trồng thủy sản thân thiện môi trường gắn với du lịch có trách nhiệm được hình thành trên vịnh Hạ Long. Ông cho biết đây là mong muốn từ lâu của gia đình nhưng trước đây chưa thể thực hiện được vì thiếu vốn.
Không chỉ nâng cao thu nhập cho bà con mà dự án cũng đã góp phần đáng kể trong việc đảm bảo môi trường vịnh. Những bè phao xốp luôn vỡ làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh Hạ Long đã được dần thay thế bằng các phao nhựa, phao composite hoặc vật liệu bền vững khác không gây ô nhiễm môi trường.
Từ năm 2016, dự án đã thành lập được một nhóm nòng cốt gồm có 32 ngư dân, nhằm tạo sự chuyển biển mới trong nuôi trồng thủy hải sản với bảo vệ môi trường biển.
Đến nay, chương trình đã có 7 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn trên vịnh Hạ Long. Theo kế hoạch đến năm 2018, sẽ có 3 khu vực nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh Hạ Long với 6 điểm nuôi trồng thủy sản lồng bè đã được quy hoạch.