Theo Chi cục Thủy sản Hà Nội, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra hiện tượng cá nuôi trong lồng, bè trên sông Hồng bị chết rải rác do môi trường, dịch bệnh gây thiệt hại cho người nuôi thủy sản. Để góp phần nuôi trồng thủy sản lồng, bè theo đúng quy định của pháp luật, đạt hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm, Chi cục Thủy sản Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã có nuôi thủy sản lồng, bè: Chỉ đạo bộ phận chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tới các hộ nuôi các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản lồng, bè theo quy định. Thực hiện công tác rà soát, thống kê, đánh giá; quản lý chặt chẽ các hộ nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên địa bàn quận, huyện, thị xã tránh tình trạng nuôi tự phát, không thực hiện đăng ký theo quy định.
Khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Chi cục Thủy sản Hà Nội trong việc kiểm tra, hướng dẫn xử lý kịp thời. Hướng dẫn người nuôi thống kê mức độ thiệt hại để có cơ sở đề xuất hỗ trợ theo quy định. Chủ động bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách cấp mình. Trường hợp mức độ thiệt hại lớn, sử dụng vượt quá 50% nguồn dự phòng, UBND thành phố xem xét bổ sung từ nguồn Quỹ Phòng, chống thiên tai của thành phố, dự phòng ngân sách cấp thành phố và các nguồn hợp pháp khác.
Đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng, bè: Chủ động thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng, bè tại Chi cục Thủy sản Hà Nội theo quy định. Về điều kiện nuôi trồng thủy sản lồng, bè: Vị trí đặt lồng, bè phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm. Có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp với đối tượng và hình thức nuôi. Đáp ứng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ứiú y và an toàn lao động. Đáp ứng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra, chủ cơ sở nuôi thủy sản cần báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương. Khi có dịch bệnh xảy ra hoặc khi môi trường biến động bất thường, chủ cơ sở nuôi cần chủ động lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu môi trường nước để xét nghiệm; đồng thời thông tin, báo cáo nhân viên thú y xã, UBND cấp xã hoặc các trạm thủy sản gần nhất về tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường.