Để hạn chế sự lây lan của bệnh, tỉnh đang tích cực chỉ đạo và thực hiện các biện pháp khống chế dịch. Tỉnh đã xuất 13 tấn hóa chất Chlorine dự trữ hỗ trợ cho các địa phương đồng thời huy động nguồn hóa chất của các huyện, xã và hộ nuôi trồng tập trung xử lý dịch bệnh.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình bệnh dịch và hướng dẫn xử lý bệnh dịch trên tôm nuôi. Đến ngày 22.5, đã có 412 ao với diện tích 58ha được xử lý hóa chất, còn 39 ao với diện tích trên 7ha chưa được xử lý, tập trung ở xã Thái Đô (huyện Thái Thụy) và 3 xã của huyện Tiền Hải là xã Đông Minh, Nam Cường và Nam Thịnh.
Bà Hoàng Thị Miền - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân ban bầu được xác định là do nguồn nước lấy vào nuôi đầu vụ có độ mặn thấp chỉ từ 5-7‰ (trong khi độ mặn phù hợp yêu cầu là 15-18‰ ). Mặt khác việc xử lý nước và cải tạo ao đầm chưa tốt, không có ao lắng, ao xử lý chất thải nước thải nên mầm bệnh không được xử lý triệt để.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, dịch bệnh đốm trắng phát sinh từ ngày 4.5. Đến nay dịch đã phát triển rộng ở 451 ao nuôi; trong đó, có 115 ao nuôi tôm thẻ chân trắng, 336 ao nuôi tôm sú của 271 hộ trên địa bàn hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải với tổng diện tích trên 65ha.