Theo những hộ nuôi cá tra, trước khi thu hoạch cá người nuôi ngừng cho cá ăn 2 ngày để cá sạch ruột, nhưng đội bắt cá của Công ty thường tới thu hoạch sớm nên thức ăn vẫn còn nhiều trong bụng cá. Công ty thu mua lấy mẫu cá mổ bụng lấy ruột, cân tỷ lệ ruột trên 1 kg cá, lấy tỷ lệ đó nhân với tổng số cá và không trả tiền phần này nên người nuôi cá thường bị thiệt. Đội thu hoạch cá của Công ty làm việc thiếu cẩn thận nên cá từ ao chuyển xuống thuyền bị chết nhiều, số cá chết bị trả lại hoặc mua với giá thấp. Đôi khi đội thu hoạch cân sọt cá vượt quá khối lượng của cân nên người nuôi cá thường bị thiệt, nên người dân ít tin tưởng vào các đội thu hoạch cá của Công ty thu mua. Đây chính là điều kiện để Nghiệp đoàn thu hoạch cá ra đời.
Ông Nguyễn Tấn Phong - Chủ nhiệm HTX nuôi thủy sản Đại Thắng cho biết: Nghiệp đoàn thu hoạch cá tra do HTX thành lập có 35 lao động với ghe máy, lưới kéo, sọt sẽ phục vụ việc thu hoạch cá tra cho các xã viên trong HTX và các hộ nuôi cá có nhu cầu. Giá thu hoạch cá 100.000 đồng/tấn, ước tính đạt khoảng 6.000 tấn/năm, HTX sẽ giữ lại 10% để bảo trì máy móc, dụng cụ và góp vào quỹ.
Từ khi Nghiệp đoàn thu hoạch cá ra đời, phần lớn hộ nuôi cá tra đã chuyển việc bắt cá cho đội thu hoạch rồi mới giao cá cho Công ty. Người nuôi chủ động được thời gian thu hoạch, cá ít bị chết và được cân đúng số lượng. Việc thành lập Nghiệp đoàn thu hoạch cá vừa tạo việc làm cho các lao động địa phương lúc nhàn rỗi, vừa mang lại lợi ích cho người nuôi cá tra. Một số vùng nuôi cá tra trong tỉnh đã đến thị xã Ngã Bảy tìm hiểu hoạt động của Nghiệp đoàn thu hoạch cá do những người nuôi cá thành lập, để áp dụng trong thời gian tới.