Bối cảnh
Nghề nuôi trồng thủy sản Tây Phi được biết là chuyên canh tác các loài nước ngọt như cá rô phi và cá da trơn, một số trang trại có dự định phá vỡ khuôn mẫu ban đầu thông qua việc nuôi tôm sú. Trong đó phải kể đến trang trại nuôi tôm sú ở Nigeria (Tây Phi) do Công ty Atlantic Shrimpers Ltd (ASL) điều hành.
ASL ban đầu là một công ty chuyên về các hoạt động đánh bắt cá, có sản lượng đánh bắt hơn 2,000 tấn tôm mỗi năm ngoài khơi bờ biển Tây Phi. Thấy được tiềm năng từ tôm sú do số lượng tôm trong những mẻ đánh bắt của họ có dấu hiệu ngày một tăng, ASL đã tiến hành xem xét khả năng triển khai nuôi loài tôm này tại một số địa điểm có mật độ dân cư thấp ở bờ biển Nigeria. Điều đáng chú ý là khi đó loài này không được coi là loài nuôi đặc trưng của khu vực.
Cải tạo hệ thống nuôi
ASL bắt đầu sản xuất vào năm 2016, với mục tiêu sản xuất 1,500 tấn tôm/ một năm thông qua việc tiến hành thu mua tôm giống từ tôm bố mẹ được đánh bắt từ các tàu đánh cá tại địa phương nhưng gặp phải một số khó khăn liên quan đến chiến lược sản xuất và kế hoạch ban đầu.
Ông Kampen đã cải tạo trang trại để tăng sức chứa và độ bền của nó và nâng cao chất lượng tôm. Ảnh: thefishsite.com
Công ty cho rằng cấu trúc và chiến lược hiện tại của họ không phù hợp với mục tiêu cho ra giống tôm chất lượng cao mà họ đang hướng tới. Điều quan trọng là cần phải cải tạo hệ thống nuôi với mục đích gia tăng năng suất, chất lượng, độ bền vững cho trại nuôi thông qua nâng cấp, cải tiến ao nuôi, thay đổi biện pháp xử lý nước bằng clo sang các giải pháp cơ học. Hiện, thiết kế mới cho địa điểm hiện đã hoàn thành được một nửa với diện tích của mỗi ao là 1,5 ha (gấp đôi diện tích ban đầu).
Việc đảm bảo chất lượng con giống là yếu tố quan trọng nhất. Sử dụng tôm giống có nguồn gốc từ tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF - là những con tôm đã được đảm bảo không có một số mầm bệnh). Đây là một khoản đầu tư đáng giá giúp ổn định nền tảng sản xuất và hiện trại sản xuất giống có thể cung cấp cho ASL 140 triệu con giống SPF mỗi năm. Công ty hiện đang có kế hoạch phát triển trung tâm nhân giống tôm bố mẹ (BMC) của riêng họ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ nguồn bên ngoài.
Ao nuôi có thể sản xuất 140 triệu con giống SPF mỗi năm, cung cấp nền tảng cho sản xuất ổn định. Ảnh: thefishsite.com
Thách thức
Những thách thức liên tục mà trang trại nuôi của họ phải đối mặt bao gồm vần đề về nguồn cung cấp điện (do địa điểm hẻo lánh, thưa thớt dân cư), vấn đề vận chuyển (mọi thứ đều phải vận chuyển bằng thuyền) và thiếu thốn các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi địa phương, tức họ phải tìm kiếm nguồn thức ăn nuôi tôm chuyên biệt từ nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Đan Mạch,..
Ngành nuôi tôm ở địa phương còn nhiều hạn chế, do đó ASL cần phải mời các chuyên gia nuôi tôm đến từ Philippines, Indonesia,...để hỗ trợ, tư vấn về mặt kỹ thuật nuôi và tiến hành công tác đào tạo lực lượng lao động địa phương phù hợp cho nhiều vị trí khác nhau.
Ở Nigeria có một lợi thế quan trọng so với các quốc gia khác là sự ổn định về nhiệt độ. Nhiệt độ nước nơi đây quanh năm dao động từ 27°C - 31°C (25 – 30°C thích hợp cho tôm sú phát triển), trong khi ở một số vùng trên thế giới chỉ có thể sản xuất trong một chu kỳ vào mùa đông do sự khắc nghiệt của thời tiết.
Bất chấp nhiều thất bại và khó khăn, ASL vẫn kiên trì và tin rằng sản lượng thu hoạch của họ sẽ tăng gấp đôi trong vòng hai năm. Một ưu thế của trại nuôi khi cách xa các trang trại nuôi tôm khác là giảm được rủi ro về dịch bệnh, đặc biệt là hiện nay ASL đang sử dụng tôm bố mẹ SFP và dùng tia cực tím để khử trùng thay cho Clo giúp gia tăng hiệu quả sản xuất tôm sú với mật độ cao hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác.