Ông Nguyễn Văn Thạch, ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh đã gắn bó với nghề nuôi cá cảnh hơn 7 năm nay. Từ mô hình nuôi nhỏ lẻ, ông Thạch vừa tìm tòi, sưu tầm, vừa nhân giống các loại giống cá quý như: cá Dĩa, cá La Hán, cá chép Nhật, cá Kim Hoàng, cá bảy màu…
Đến nay, trên diện tích chỉ hơn 500 m2, ông Thạch đã có hơn 100.000 con cá cảnh với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng. Ông Thạch cho biết, từ 3 năm nay, khi áp dụng hệ thống tuần hoàn nuôi cá khép kín, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Hệ thống này gồm các thiết bị khá đơn giản như: máy bơm nước, hệ thống điện tử điều khiển các van nước, các thùng nước bằng nhựa, bể chứa, bộ lọc và hệ thống ống nhựa để lưu thông dòng nước.
Ông Nguyễn Văn Thạch, chủ cơ sở sản xuất cá cảnh An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ông phải tự mày mò để làm ra hệ thống tuần hoàn nuôi cá khép kín vì ngoài thị trường không có. Ông đã làm nhiều quy trình và cuối cùng ngày hôm nay mới làm ra được nó. Ông Thạch đã đưa những thiết bị này vào điều khiển một cách rất dễ để sử dụng theo phương pháp cơ học. Khi hỏng hóc một thiết bị nào đó, người nông dân cũng có thể tự thay thế được.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có trên 500 hộ nuôi cá cảnh, trong đó khoảng 300 hộ có lợi nhuận từ 100 triệu đồng mỗi năm trở lên. Thành phố đã hình thành hệ thống gần 600 cửa hàng kinh doanh cá cảnh tại khắp 24 quận, huyện. Với diện tích mặt nước tự nhiên rộng và nhu cầu kinh doanh ngày càng cao, nghề nuôi cá cảnh đang được nhiều hộ dân phát triển mạnh tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Quận 9, Thủ Đức. Để nâng cao chất lượng và sản lượng nuôi cá cảnh, nhiều nông dân của thành phố đã áp dụng Quy phạm thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh (gọi tắt là GMP).
Tiến sỹ Vũ Cẩm Lượng, Chủ nhiệm đề tài xây dựng quy phạm sản xuất cá cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Việc áp dụng quy phạm GMP trong nuôi cá cảnh sẽ giúp ngành sản xuất cá cảnh thành công và hiệu quả hơn, ví dụ như trong quản lý chất lượng nước, quản lý con giống cũng đã thử nghiệm quy phạm này trên thực tế sản xuất.
Theo ông Nguyễn Hoài Hữu Phú, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi, địa phương đi đầu trong sản xuất cá cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc sản xuất cá cảnh không cần nhiều diện tích đất như sản xuất các loại rau, hoa màu, lại phù hợp với điều kiện của nông dân đô thị. Do đó, trên cùng diện tích nếu sản xuất cá cảnh có thể mang lại lợi nhuận cho nông dân gấp 10 lần so với trồng rau và hoa màu. Hiện nay ở huyện Củ Chi có 560 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất cá cảnh chỉ có 35 ha, cho sản lượng 110 triệu con cá cảnh mỗi năm, đạt giá trị 120 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu cá cảnh đạt 50 tỷ đồng trong năm qua.
Ông Nguyễn Hoài Hữu Phú, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi cho biết: Huyện Củ Chi có lợi thế rất lớn là vùng nước ngọt ở Kênh Đông. Với lợi thế này thì họ có thể sử dụng trong việc làm giống cá để cung cấp cho thị trường miền Đông hoặc miền Tây Nam bộ. Một số vùng thì được qui hoạch để nuôi cá cảnh. Có những công ty một năm có thể xuất khẩu vài chục triệu con cá cảnh và thu về vài triệu đô, chuyện đó rất là đơn giản.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng và xuất khẩu cá cảnh đến năm 2020, phấn đấu đạt sản lượng từ 150 đến 180 triệu con. Trong đó, cá cảnh dành cho xuất khẩu đạt 40 đến 50 triệu con với kim ngạch đạt 40 đến 50 triệu USD. Để đạt được mục tiêu này, toàn bộ các cơ sở nuôi cá cảnh của thành phố sẽ tham gia chương trình giám sát an toàn dịch bệnh để đáp ứng điều kiện xuất khẩu vào các thị trường trong khu vực và thế giới.