Tại đây, hàng trăm ống xả thải của các hộ nuôi tôm đấu nối vào cống lớn. Từ cống vào này, nước xả thải chảy vào một ao lắng rộng lớn rồi qua một cống khác thoát trực tiếp ra biển.
Bà Nguyễn Thị Loan, cư dân gần ao, cho biết nước xả thải kèm cặn bã thức ăn, xác tôm tích tụ lại lâu ngày gây mùi hôi thối quanh vùng.
"Mùi hôi thối hằng ngày xộc vào mũi không chịu nổi, người nhà thường xuyên bị choáng nên tôi đưa hai cháu nhỏ vào làng tránh ô nhiễm" - bà Loan nói.
Người dân có trại nuôi tôm giống ven biển xã An Hải cũng nhiều lần phản ảnh về việc ô nhiễm nguồn nước biển lên xã, xã cũng báo cáo lên trên nhưng đến nay chưa được khắc phục.
Sáng 25-3, trả lời về việc này, ông Nguyễn Khắc Lâm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết dự án hệ thống nuôi tôm trên cát được đầu tư xây dựng từ năm 2004, trong đó có ao T3 (dài 90m, rộng 6,5m và sâu 2,5m), dung tích chứa 14.180m3 nước xả thải của hơn 100ha đìa nuôi tôm thương phẩm.
Theo ông Lâm, do van cống lấy nước vào ao T3 và van cống thoát nước ra biển bị hư nên ao không tích được nước thải để thực hiện các khâu xử lý lắng, khử mùi trước khi xả trực tiếp ra biển.
"Tạp chất, xác tôm lắng tại ao T3 lâu ngày tạo thành lớp bùn dày và bốc mùi hôi khi thời tiết khô nắng" - ông Lâm nói.
Cũng theo ông Lâm, từ năm 2009, ao T3 được giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận quản lý. Tuy nhiên, sau đó một số hạng mục bị xuống cấp, không thể vận hành đóng - mở nước, đáy ao bị bồi lắng chất thải gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Ông Lâm cho biết để khắc phục ô nhiễm, sở đã đề nghị công ty này khẩn trương sửa chữa van cống nhận - thoát nước thải, nạo vét, tích nước lắng cơ học và phối hợp với Chi cục Thủy sản xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm sinh học tại ao T3 để không ảnh hưởng môi trường.