Những năm gần đây, diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng tăng hàng nghìn ha mỗi năm, trong đó có rất nhiều diện tích được người dân thả nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch, rồi tự câu điện sinh hoạt để nuôi tôm. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 25.600 ha nuôi tôm nước lợ thì đến năm 2016 diện tích thả nuôi tăng lên gần 48 nghìn ha. Diện tích nuôi tôm phát triển ào ạt như vậy đã đẩy nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, gây ra tình trạng nguồn điện thiếu hụt trầm trọng, tạo áp lực rất lớn cho ngành điện trong bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn toàn tỉnh. Trước thực trạng điện áp không ổn định, thường xuyên gây quá tải cục bộ, không bảo đảm cho sản xuất, nhiều hộ tự đầu tư thêm máy nổ để nuôi tôm. Bà con cho biết, chi phí chạy bằng máy dầu tốn gấp đôi so với chạy bằng mô-tơ điện. Bên cạnh hàng trăm thứ chi phí như: cải tạo ao, giống, thức ăn, hóa chất… bà con còn phải cõng thêm chi phí xăng dầu rất tốn kém, lợi nhuận bấp bênh.
Trăn trở trước khó khăn của bà con nuôi tôm, ngành điện cùng với chính quyền địa phương quyết định đầu tư thực hiện Dự án thành phần lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, thuộc Dự án hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành điện giai đoạn 3 (DPL3). Dự án có tổng mức đầu tư 187,5 tỷ đồng, quy mô gồm: cải tạo và xây dựng mới 144 km đường dây trung thế, 471,7 km đường dây hạ thế, 340 trạm biến áp có tổng dung lượng 33 nghìn 120 kVA.
Dự án này vừa hoàn thành và đã đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, từng bước cung cấp điện ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hàng chục nghìn hộ nuôi tôm. Ông Sơn Tộ ở phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu cho biết: "Từ khi có điện, chi phí nuôi tôm của gia đình tôi đã giảm phân nửa. Trước đây, tôi dùng máy dầu bơm nước cho hai ao tôm, một tháng tốn tới 120 lít dầu. Nay chạy bằng điện, cả tháng chỉ tốn chừng một triệu đồng thôi". Ông Huỳnh Khánh Lượng ở ấp Nhà Thờ, xã Trung Bình, huyện Trần Ðề có 30 ao nuôi tôm thẻ, với diện tích gần 12 ha. Trước đây, do không đủ điện nuôi tôm, công suất của các trạm biến áp thấp, chỉ đạt 150 kVA cho nên ông Lượng không thể thả nuôi hết các ao mà chỉ thả luân phiên. Từ khi dự án được đưa vào sử dụng, nâng công suất trạm biến áp lên 250 kVA, cung cấp đủ điện phục vụ nuôi tôm, ông đã thả nuôi hết diện tích. Mỗi năm, doanh thu trang trại nuôi tôm của ông Lượng tăng lên hàng tỷ đồng. "Khi Dự án thành phần lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất, chi phí sản xuất con tôm đã giảm rõ rệt, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn" – ông Huỳnh Khánh Lượng chia sẻ.
Giám đốc Công ty Ðiện lực tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải cho biết, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, yêu cầu chất lượng tốt hơn, Công ty Ðiện lực Sóc Trăng luôn xem việc cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt hằng ngày của nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm mà tập thể công ty phải hoàn thành, đó còn là mục tiêu phấn đấu của đơn vị. Theo đó, bên cạnh thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng Dự án thành phần lưới điện phân phối phục vụ nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, ngành điện đã nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhiều dự án trọng điểm khác như: Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng; Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sóc Trăng; Dự án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện tỉnh Sóc Trăng… Tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành điện đều với phương châm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Đầu tư, phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm nước lợ là bước đi chủ động, phù hợp, góp phần thúc đẩy nuôi trồng thủy sản ở Sóc Trăng phát triển, nhất là trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng.