Bên cạnh đó, ý thức quản lý và bảo vệ môi trường dùng chung trong nuôi trồng thủy sản của đa số người dân còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng xả thải nước và xác động vật thủy sản nuôi bị nhiễm bệnh chưa qua xử lý ra môi trường làm tốc độ lây lan dịch bệnh tăng nhanh, khó kiểm soát khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản không chỉ là công việc của các cơ quan quản lý mà cần có sự tham gia của cả cộng động. Việc hình thành các tổ cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản giúp cho người tham gia nuôi trồng thủy sản tăng tính đoàn kết, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân trong công tác phòng chống dịch bệnh và liên kết tổ chức sản xuất.
Năm 2017, tại phường Hà An, thị xã Quảng Yên đã thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả mô hình Tổ cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản (vùng dự án chuyển đổi 156 ha). Để thực hiện thành lập tổ quản lý cộng đồng, các hộ nuôi trồng thủy sản trong vùng dự án được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tổ chức khảo sát vùng nuôi để xác định số lượng tổ viên nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động giám sát. Sau khảo sát, một cuộc họp cộng đồng được tổ chức với thành phần bao gồm các hộ nuôi trồng thủy sản trong khu vực, đại diện chính quyền địa phương để thống nhất hình thành tổ cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết. Sau khi hình thành, tổ cộng đồng tự tổ chức họp để thống nhất kiện toàn bầu ra tổ trưởng, tổ phó và các tổ viên trên cơ sở đó UBND phường ra quyết định thành lập tổ. Tổ có trách nhiệm xây dựng quy chế hoạt động, trong đó phân công trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của các thành viên trong tổ và trình UBND phường xác thực để các thành viên trong Tổ cộng đồng cùng có trách nhiệm tuân thủ và tổ chức hoạt động hiệu quả các nội dung đã đặt ra trong quy chế.
Đến nay, sau hơn một năm đi vào hoạt động, Tổ cộng đồng vùng nuôi trồng thủy sản phường Hà An đã thể hiện được vai trò tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, cụ thể như tổ chức cho các hội viên làm vệ sinh môi trường, lấy mẫu kiểm dịch định kỳ, giám sát xả thải khi có dịch, xây dựng và tuân thủ lịch cấp nước… bên cạnh đó, các hoạt động chung cũng giúp cho các thành viên trong tổ gắn bó chặt chẽ hơn trong hoạt động sản xuất từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu lực quản lý của địa phương.
Từ kết quả ban đầu đạt được có thể thấy rằng, đây là mô hình hoạt động hết sức thiết thực, hiệu quả cần được nhân rộng tại các vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đặc biệt tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên môn cần quan tâm hơn nữa, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân các vùng nuôi có thể thành lập tổ quản lý cộng đồng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các địa phương.