Thừa kế và khác biệt
Nói về mô hình này, anh Dư cho hay: hợp canh (aquaponics) đã được người Azetec sử dụng hơn 1.500 năm nay ở châu Mỹ rồi. Ngày nay chỉ là đưa công nghệ và thiết bị hiện đại vào để làm tăng thêm năng suất thông qua tự động hóa và điện tử hóa nó mà thôi. Do vậy mục đích xưa và nay là giống nhau, nguyên lý giống nhau nhưng cách làm khác ngày xưa.
"Nhưng tay không làm sao mà bắt "giặc", nên nhờ mối quan hệ, tôi làm quen được với chuyên gia ngước ngoài về lĩnh vực này", anh Dư nói. Sau thời gian dài làm việc, thấy mô hình hợp canh khá hiệu quả nhưng nhập thiết bị nước ngoài thì giá thành cao. Nên anh Dư đã tập trung đầu tư tự nghiên cứu chế tạo ra thiết bị dựa trên nguyên lý từ trường của GS nước ngoài đó.
"Khó khăn nhất khi chế tạo mô hình này là việc mất nhiều thời gian đi tới các điểm nhập máy móc đã qua sử dụng để tìm kiếm thiết bị linh kiện phù hợp cho việc chế tạo. Tiếp theo nữa là tiền - luôn luôn là vấn đề nan giải", anh Dư cười nói. Vì thử nghiệm 1 mẫu nước thôi cũng đã tốn hơn triệu đồng, mà phải thử hàng trăm mẫu nước.
Khi mang thử nghiệm thiết bị với hàng chục mẫu nước đều cho kết quả rất tốt, thì anh Dư lại tiếp tục chế tạo các thiết bị xử lý nước nuôi trồng thủy sản, thử nghiệm tại trại nuôi tôm Bình Đại. Kết quả thật bất ngờ: tôm lớn nhanh gấp đôi so với thông thường.
Các hệ thống hợp canh nước ngoài đều gặp phải vấn đề xử lý nước cho cá và cây. Sau khoảng 50 ngày nước trong hồ /bể nuôi cá sẽ gây nhiều rắc rối cho cá từ đó làm ảnh hưởng đến cây. Để khắc phục, anh Dư chế tạo một thiết bị lọc đặc biệt khắc phục tình trạng này. Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất mang tính chất quyết định giữa Hợp canh của VN và Aquaponics của nước ngoài.
Siêu sạch và siêu năng suất
Hệ thống hợp canh của anh Dư bao gồm: máng trồng, máy sục khí, bể cá, nguồn điện... Theo đánh giá của anh Dư thì đây thực sự là hướng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới hiện nay. Bởi nó tạo ra siêu năng suất, siêu sạch và hiệu quả. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có một số nước phát triển đầu tư vào lĩnh vực này. Những dự án đặc biệt được trồng ngầm trong lòng đất với mục đích phòng ngừa chiến tranh. Cơ quan vũ trụ Mỹ NASA đã đi tiên phong nghiên cứu sâu về lĩnh vực này từ những năm 80 của thế kỷ 20 với ý định trồng rau trong các con tàu vũ trụ.
Theo tính toán nếu đầu tư nghiêm túc về công nghệ chúng ta có thể có những " nhà máy sản xuất thực phẩm sạch" đạt năng suất 500 tấn/ha nuôi trồng mang lại doanh thu 10 tỷ đồng/ha/năm là khả thi. ( So với canh tác của bà con nông dân hiện nay là 25-35 tấn/ha, doanh thu 100-200 triệu/năm), anh Dư tự tin nói.
Ngoài ra, mô hình này thì ai cũng có thể trở thành "nông gia" thứ thiệt ngay tại nhà mình. Chỉ cần có không gian cỡ chừng 2m2 là đủ rau, cá cho gia đình 4 người ăn với chi phí đầu tư 15 triệu đồng/ bộ. Mỗi ngày chỉ cần dành 1 phút cho cá ăn vào sáng và chiều, mọi việc còn lại hệ thống sẽ tự vận hành. Rất phù hợp với xu hướng nông trại đô thị.
Đặc biệt, mô hình nuôi trồng này sẽ thực hiện 5 không: không dùng đất, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật, không phát sinh nước thải. Nên rau hữu cơ 100%, rất sạch có thể hái ăn sống tại vườn, anh Dư hào hứng nói
Vấn đề khó khăn mà anh Dư đang gặp phải là: cơ chế triển khai áp dụng, vốn đầu tư cho mô hình trình diễn thí điểm trên diện tích 1ha khoảng 10 tỷ đồng còn đang "bí". Mặc dù, theo anh Dư thì anh đã quản trị được tới 80% công nghệ nên khả năng thành công là cao. Tìm được nhà đầu tư tài chính có tâm huyết để triển khai mô hình trình diễn và kinh doanh quy mô 1 (ha) canh tác tại TPHCM là điều nan giải, anh Dư cho biết.
Hiện nay, anh Dư đang hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký về quyền sở hữu trí tuệ cho hệ thống hợp canh này.