Cùng với việc chủ động chuyển đổi những chân ruộng kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, thì việc có được giống cá chép lai mới nuôi trên quy mô lớn đang giúp nhiều hộ dân có thu nhập cao và bền vững.
Mỗi năm 2 vụ cá chép lai Lào Cai mang về cho gia đình chị Hạnh vài chục triệu tiền lãi mỗi kỳ thu hoạch
Gia đình chị Lý Thị Hạnh ở thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát là một trong những nông dân đầu tiên của tỉnh đưa giống cá chép lai Lào Cai về nuôi trên quy mô lớn, 1.000 m2 ao hiện có là những chân ruộng trũng cấy lúa không hiệu quả được chuyển đổi. Khi được tư vấn về việc thả giống cá chép mới lai tạo, chị Hạnh quyết định thả cá chép lai Lào Cai và một số giống cá khác. Nuôi ghép vài loại cá giúp gia đình khai thác tối đa hiệu quả của các tầng nước và lượng thức ăn tận dụng, 6 tháng một kỳ khai thác, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 kg đến 2 kg mỗi con sẽ được xuất bán. Mỗi năm 2 vụ thả cá, với đối tượng nuôi chính là chép lai Lào Cai mang về cho gia đình chị vài chục triệu tiền lãi sau mỗi kỳ thu hoạch.
Còn tại các địa phương vùng cao, đối tượng cá chép lai Lào Cai cũng được một số nông dân khai thác để nuôi thương phẩm. Ở khu vực nước lạnh, tuy cá có lớn chậm hơn nhưng khi nuôi kết hợp trong diện tích bồn bể nuôi cá nước lạnh, anh Nguyễn Văn Lũy ở thôn Can Hồ, xã Bản Khoang, huyện Sa Pa cho rằng, cá chép lai Lào Cai có thể tận dụng nguồn thức ăn là chất thải của cá tầm để sinh trưởng. Nuôi ghép giữa cá tầm với cá chép lai Lào Cai phải đến 4 năm anh Lũy mới khai thác cá thương phẩm, nhưng đổi lại, mỗi con cá chép được nuôi ghép với cá tầm hiện đã đạt trọng lượng trung bình 6 kg. Nguồn lợi này được khai thác để cùng kết hợp với cá nước lạnh, trở thành nguồn thu nhập cao cho gia đình, cá chép lai Lào Cai nuôi ở nước lạnh, anh Lũy bán giá bình quân là 180 nghìn đồng mỗi kg, cao gấp ba lần khi cùng nuôi loại cá này ở khu vực vùng thấp.
Một số nông dân huyện Sa Pa nuôi ghép giữa cá tầm với cá chép lai Lào Cai cho hiệu quả tốt
Việc lai ghép được giống cá chép có nhiều ưu điểm nổi trội mang thương hiệu Lào Cai đang đặt ra cho ngành nông nghiệp Lào Cai, cần sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý, cũng như tổ chức khảo nghiệm ở quy mô lớn và nhiều điều kiện khác nhau để tiến tới được xác nhận là giống thủy sản cấp quốc gia. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Lào Cai: "Hiện nay chúng tôi đang đề nghị với tỉnh cho phép nghiên cứu đề tài nghiên cứu khoa học, để có đầy đủ số liệu báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cá chép Lào Cai hiện nay là giống cá chép mới, được phép lưu hành tại Việt Nam".
Từ vùng thấp cho tới vùng cao, nơi có nguồn nước ấm đến những vùng nước lạnh, cá chép lai Lào Cai đều sinh trưởng, phát triển tốt, mở ra cơ hội về chuyên sản xuất cá giống cho ngành Nông nghiệp Lào Cai. Riêng đối tượng cá chép lai Lào Cai có đến 50% đang được cung ứng đến nhiều địa phương trong cả nước, cũng là những điều kiện để đưa giống cá này trở thành giống quốc gia trong tương lai.