Theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khai thác biển xa, mỗi tàu cá có lộ trình đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa được quét qua hệ thống định vị vệ tinh sẽ được hỗ trợ tiền mặt lên đến 100 triệu đồng/ mỗi chuyến biển. Ngoài ra đối với các tàu chưa có máy định vị được trang bị miễn phí 1 bộ máy Icom.
Cùng với đó, huyện khuyến khích các xã vùng biển thành lập các đội tàu cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá làm nhiệm vụ tiếp tế ngư lưới cụ, xăng dầu, đá lạnh cho đội tàu khai thác xa bờ; đồng thời thu mua vận chuyển hải sản về đất liền tiêu thụ.
Với những chính sách có lợi cho ngư dân nên đầu năm 2018 đã có 68 tàu công suất lớn của ngư dân các xã Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Thuận, Quỳnh Long và Sơn Hải đăng ký tham gia đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Ông Bùi Xuân Trúc - Phó Trưởng phòng NN & PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Năm 2018, huyện Quỳnh Lưu tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ tiền xăng dầu cho các tàu cá đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa và Trường sa. Mỗi tàu cá trên 400 CV được hỗ trợ 100 triệu đồng, tàu từ 300 CV đến dưới 400 được hỗ trợ 70 triệu đồng/chuyến biển. Huyện sẽ trang bị 1 máy định vị Icom cho mỗi tàu cá đăng ký tham gia, thiết bị này sẽ được kết nối với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận để xác định tọa độ di chuyển của phương tiện, nếu vệ tinh báo vị trí tàu đang khai thác ở vùng đánh cá chung Hoàng Sa và Trường Sa thì sau khi cập cảng chủ tàu sẽ được hỗ trợ ngay tiền mặt.
Tính đến thời điểm này, toàn huyện Quỳnh Lưu có hơn 1.300 phương tiện tàu thuyền tham gia khai thác hải sản tại các vùng đánh cá chung. Trong đó có 450 phương tiện có công suất từ 400 CV trở lên đủ điều kiện vươn khơi khai thác ở vùng biển lớn như Vịnh Bắc bộ, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngư dân Quỳnh Lưu được cán bộ Đồn biên phòng hướng dẫn cách sử dụng bản đồ để khai thác đúng luật biển. Ảnh: Như Thủy
Ngư dân Đào Văn Tuyền - chủ tàu cá NA 94668 TS ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) chia sẻ: "Nắm bắt được chính sách, anh em lao động đã động viên tôi đăng ký ngay. Bởi khi tham gia chương trình này xác định sẽ không bao giờ phải lỗ tiền dầu. Ngư dân ra khơi đánh được nhiều cá thì thu nhập tăng lên, không phải lo tính toán lỗ, lãi. Nhưng cái quan trọng là khi Nhà nước đã quan tâm cho vay vốn đóng tàu to, hỗ trợ tiền dầu thì ngoài khai thác kinh tế, chúng tôi xác định vươn khơi còn để góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo".
Chính vì vậy, liên tiếp nhiều nghị định của Chính phủ như Nghị định 17, Nghị định 67 và những chính sách của trung ương, tỉnh, huyện đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân bám biển.