Góp phần bảo vệ rừng ngập mặn
Những ngày cuối tháng 5 năm 2022, lực lượng ĐVTN của Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung về Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại trồng cây ngập mặn. 500 cây bần chua từ Vườn ươm giống cây ngập mặn (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) được trồng phân tán khắp các khoảng trống ở những bãi bồi, bờ bao khu vực đầm.
Anh Trần Đức Vương, Bí thư Đoàn Thanh niên Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Từ năm 2022, Đoàn Thanh niên của Sở sẽ duy trì hoạt động trồng cây ngập mặn phân tán, tập trung ở khu vực các đầm trong tỉnh. Trồng cây ngập mặn khó hơn nhiều so với trồng cây trên cạn, đặc biệt là tỷ lệ sống thấp hơn nhiều. Nhưng chính vì khó như thế nên càng phải trồng rừng và động viên người dân giữ rừng”.
Đến nay toàn tỉnh có 88,11 ha rừng ngập mặn tập trung ở khu vực các bãi triều, bờ bao khu vực đầm Thị Nại và đầm Đề Gi, trong đó 53 ha rừng đã lên xanh - đây là những diện tích rừng được trồng và bảo vệ trong giai đoạn 2010 - 2020, và 35,41 ha mới trồng trong thời gian gần đây.
Chung tay bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản
Cũng trong tháng 5, các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn) đã triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học như: làm sạch bái biển; thu gom rác thải trên bờ và dưới đáy biển; bắt và tiêu hủy sao biển gai gây hại san hô.
Ra quân làm sạch bãi biển.
Bên cạnh đó, các địa phương và các doanh nghiệp, khách sạn, resort ven biển trên địa bàn thành phố Quy Nhơn đã phối hợp tổ chức hội thảo tập huấn kiến thức bảo tồn và bảo vệ môi trường sống của các loài rùa biển cho tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tại hội thảo, các đại biểu được truyền đạt một số kiến thức về vai trò, giá trị của rùa biển; vai trò của cộng đồng trong công tác bảo tồn rùa biển; các qui định pháp luật bảo tồn loài rùa biển,… Đặc biệt, ô nhiễm môi trường ven bờ biển là vấn nạ gây bức xúc trong thời gian gần đây. Cụ thể, dân cư ven biển khu vực tại Bãi Xếp (phường Ghềnh Ráng) có thói quen đổ rác thải xuống biển và lấn chiếm bãi biển để kinh doanh ẩm thực gây nên nhiều bức xúc cho các doanh nghiệp và khách du lịch. Đây là thực trạng cần có giải pháp để ngăn chặn để trả lại môi trường xanh, sạch , đẹp vốn có trước đây.
Các hoạt động này rất ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển và rừng ngập mặn trong tỉnh. Từ đó góp phần phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo tồn đa đạng sinh học và các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.