Sáng tạo trên thuộc về 5 học sinh lớp 9D9 Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) gồm: Đào Đình Bình, Trịnh Hoàng Giang, Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Hoàng Huy và Đặng Phương Nam.
Cô giáo Nguyễn Thị Đại, giáo viên dạy môn Vật lý nhà trường trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả trên thực hiện đề tài. Đề tài “Máy khuấy, đảo khí cho đầm nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng gió” của nhóm học sinh đã xuất sắc đạt giải Đặc biệt, giải Nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018.
Máy sục khí bằng băng lượng gió
Theo cô giáo Nguyễn Thị Đại, qua khảo sát, các đầm nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đầm nuôi tôm tại Hải Phòng phải thường xuyên sử dụng máy sục khí chạy bằng năng lượng điện.
Hàng tháng người nông dân đều phải trả một số tiền điện rất lớn cho việc sử dụng các máy sục khí tại các đầm nuôi thủy sản. Có những năm thời tiết không thuận lợi, người dân bị mất mùa thì việc trả tiền điện cho một vụ tôm là vấn đề rất lớn.
Máy khuấy, đảo khí chạy bằng năng lượng gió được nghiên cứu, chạy thực nghiệm 3 lần tại đầm nuôi tôm (Ảnh: Nguyễn Đại)
"Với mong muốn có một sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các em học sinh lớp 9D9 đã tư duy, sáng tạo ra đề tài "Máy khuấy, đảo khí cho đầm nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng gió". Chiếc máy này sẽ thế các máy sục khí hoạt động bằng điện giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và giảm giá thành sản phẩm đầu ra của thủy sản, đặc biệt là tôm”, cô Đại chia sẻ.
Cũng theo cô giáo Đại, ý tưởng trên được các học sinh của cô ấp ủ từ năm 2016, trải qua 2 năm nghiên cứu và chế tạo thành chiếc máy hoàn hảo. Vật liệu để tạo nên chiếc máy khuấy, đảo khí gồm: ống sắt; chân đế bằng sắt (khi lắp đặt vào thực tế thì có thể dùng vật liệu thép không gỉ và chân đế được đổ bê tông);
Ống nhựa loại nhỏ, loại to và keo dán; Bánh răng; Pin mặt trời (công suất 25W, dòng 1,57 ampe lúc Pmax; Điện áp ra 16 vol lúc Pmax; Kích thước 465/360/25mm);
Một bình ắc quy 12V DC, 30A; Động cơ điện một chiều 12V, 1 bộ solar charge controller sạc acquy.
Chi phí để lắp ráp chiếc máy khuấy, đảo khí bằng năng lượng gió rẻ hơn so với máy chạy bằng điện (Ảnh: Nguyễn Đại).
Theo em Nguyễn Ngọc Ánh, nguyên lý hoạt động của chiếc máy rất đơn giản, khi gió cấp 3 (từ 12-19 km/giờ) trở lên đập vào cánh quạt làm trục thẳng đứng quay. Thông qua hệ thống bánh răng chuyển động được truyền tới trục nằm ngang theo tỉ số truyền 1:4. Khi đó các cần gạt nước khuấy nước làm hòa tan oxy vào nước.
Sau khi lắp ráp, chiếc máy trải qua với 3 lần thực nghiệm tại đầm nuôi tôm thuộc quận Hải An (Hải Phòng) mới thành sản phẩm hoàn hảo đem dự thi.
“Trong 3 lần thực nghiệm, lần đầu chiếc máy không hoạt động. Lần thứ 2 máy có hoạt động nhưng gió dưới cấp 3 thì máy không quay. Lần thứ 3, chiếc máy được tích hợp năng lượng mặt trời thì quay hoàn hảo, khiến cô và trò vui mừng khôn siết”, cô Đại nói.
Cần áp dụng vào thực tiễn, tránh lãng phí
Theo chia sẻ của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, việc nghiên cứu đề tài trên là cách để học sinh có thể học hỏi, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Học sinh biết gắn kiến thức đã học trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống, tự xây dựng cho mình ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và giáo dục mọi người cùng thực hiện.
Sản phẩm của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An giành giải đặc biệt cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018. (Ảnh: Lã Tiến)
Nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An cũng mong muốn những kết quả nghiên cứu về đề tài này sẽ được hoàn thiện hơn, sớm áp dụng vào thực tiễn. Qua đó giúp người nông dân tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường khi đầu tư nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm.
Đánh giá của cơ quan tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018, sản phẩm máy khuấy, đảo khí của nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An có tính khả thi cao, có thể áp dụng vào thực tiễn.
Theo thầy giáo Phạm Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chu Văn An: “Với tính ưu việt của máy khuấy, đảo khí, các em học sinh và nhà trường mong muốn các cấp lãnh đạo xem xét đưa sản phẩm vào thực tiễn để tránh lãng phí. Đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để khuyến khích nhiều học sinh tham gia nghiên cứu khoa học”, thầy Quân nói.