Hội thảo còn có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trong cả nước.
Theo báo cáo từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam có hơn 830 nhà máy chế biến thủy sản đạt quy mô công nghiệp và trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 của thế giới. Trong 3 năm qua, thủy sản luôn đứng trong tốp 10 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, ngành thủy sản đã tạo việc làm và sinh kế cho hơn 4 triệu lao động trực tiếp. Tính đến hết tháng 9 năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra.
Nhiều thông tin lạc quan là vậy nhưng các chuyên gia và người trong cuộc có cùng nhận định ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nhiều dịch bệnh; chất lượng, nguồn gốc con giống chưa bảo đảm; thức ăn thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu; các chế phẩm sinh học thủy sản, phương thức nuôi, quy trình nuôi chưa đồng nhất; hạ tầng, cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng còn lạc hậu…
Trên cơ sở phân tích những mặt còn yếu kém các đại biểu cũng đề xuất, hiến kế cho ngành thủy sản Việt Nam để gia tăng sản lượng thủy sản, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, đồng thời tránh được rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo các đại biểu để hiện thực hóa và thúc đẩy chủ trương khai thác bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, các cấp ngành cần chú trọng đến những vấn đề giúp tăng tốc nuôi trồng như: Quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm nguồn nước, cải thiện chất lượng con giống cùng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản...
Về giải pháp chiến lược lâu dài, các đại biểu cho rằng cần phát triển kết cấu hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ; xây dựng định hướng xuất khẩu cụ thể đối với sản phẩm thủy sản tương ứng với từng thị trường; thúc đẩy quá trình đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho các sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu; đa dạng sản phẩm chế biến từ các đối tượng nuôi truyền thống, đối tượng mới đồng thời xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm, ưu tiên cho những sản phẩm thủy sản chủ lực, đáp ứng về yêu cầu chất lượng mẫu mã và quy cách sản phẩm thủy sản của các thị trường tiêu thụ… từ đó tạo động lực cho ngành nuôi trồng Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới.