Một trong những mô hình sản xuất kết hợp được nhiều nông dân áp dụng là mô hình tôm - lúa - cá. Đây được xem là mô hình sản xuất bền vững với nhiều ưu điểm như: cải thiện nền đáy, bảo vệ môi trường, hạn chế mầm bệnh, ít rủi ro hơn các mô hình khác. Đơn cử như tôm nuôi đạt khoảng 200kg/ha, lúa 5 tấn/ha, cá các loại đạt từ 600 - 800kg/ha, cho lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình trong thời gian qua cũng gặp khó khăn, nhất là tình trạng nông dân không chủ động được nước mặn khi đến mùa vụ. Nhiều hộ do chạy theo lợi nhuận nên không quan tâm cải tạo ao đầm, thả tôm không đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo. Vẫn còn tình trạng mua tôm giống trôi nổi, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... Từ đó dễ dẫn đến dịch bệnh, làm cho chi phí sản xuất tăng cao.
Bên cạnh đó, tình trạng nguồn nước cấp không đảm bảo chất lượng, việc xả thải nguồn nước tôm bệnh ra môi trường vẫn còn diễn ra. Nhiều tuyến kênh nội đồng dẫn nước bị bồi lắng chưa được nạo vét kịp thời; thời tiết biến đổi thất thường; mưa sớm, nắng nóng làm nhiệt độ dao động lớn giữa ngày và đêm ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, để phát triển và nhân rộng mô hình tôm - lúa - cá, huyện sẽ đầu tư gia cố kênh mương dẫn nước mặn, thiết kế lại bờ vuông cao và chắc chắn để giữ nước sâu. Cùng với đó là nạo vét các kênh thủy lợi bị bồi lắng. Đồng thời khuyến cáo nông dân quan tâm đến chất lượng tôm giống, xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi.
Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao khoa học - công nghệ, kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân. Hướng dẫn người nuôi tôm cải tạo ao đầm đúng quy trình kỹ thuật và thả giống đúng lịch thời vụ. Tăng cường các biện pháp quản lý môi trường, chủ động phòng tránh nguy cơ lây lan mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường...