Thông thường một người nuôi tôm ở Miền Tây sở hữu khoảng 1 ha mặt nước thì họ sẽ xây dựng được một hoặc hai ao nuôi. Vì vậy khả năng đầu tư bài bản hoặc xin các chứng nhận chuẩn xuất khẩu là cả vấn đề về hiệu quả đầu tư. Nhưng khi có mô hình hợp tác xã (HTX) thì tạo thành một nhóm nhiều hộ nuôi trong vùng để có pháp nhân hợp tác với các nhà chế biến xuất khẩu. Khi đó liên kết này đủ để thực hiện theo các tiêu chuẩn xuất khẩu như ASC, Global GAP.
Liên kết này trước mắt tạo động lực để người nuôi tham gia vì đầu ra được đảm bảo, giá bán cao hơn so với tôm không có chứng nhận. Trung bình mỗi vụ nuôi người nuôi sẽ tăng thêm 5-10 triệu đồng (khoảng 1-2% doanh thu).
Một hợp tác xã có số lượng đủ lớn sẽ tạo ra lợi thế đầu vào cho các vật tư như giống, thức ăn, thuốc… Hợp tác xã có thể đứng ra liên kết để mua trực tiếp từ nhà cung cấp thay vì phải mua thông qua các đại lý như trước đây. HTX giúp người nuôi giảm được từ 15-30% chi phí thức ăn, giống, thuốc…
Vấn đề lớn tiếp theo đối với người nuôi tôm là nguồn vốn. Nó quyết định khả năng đầu tư bài bản, khả năng lựa chọn vật tư đầu vào, chi phí tài chính (lãi vay). Tuy nhiên việc này HTX vẫn có thể đáp ứng được nhờ nguồn vốn vay từ ngân sách hỗ trợ với lãi suất thấp. Nếu quy ra lợi ích thì ngoài việc người nuôi có vốn đầu tư thì nguồn vốn này giúp giảm thêm từ 10-20% chi phí vật tư đầu vào. Vì thông thường các hộ nuôi không đủ vốn sẽ phải được đại lý đầu tư từ đầu vụ đến cuối vụ nuôi, khoảng đầu tư này được các đại lý tính vào giá vật tư.
Ngoài ra những lợi quy ra tiền ở trên, người nuôi vào HTX còn nhận được nhiều lợi ích khác như nhận được tư vấn hỗ trợ kỹ thuật lẫn nhau giúp tăng hiệu quả chăn nuôi, đoàn kết trong sản xuất giảm rủi ro về dịch bệnh, tiếp cận các kỹ thuật mới…
Theo anh Mừng chủ tịch hợp tác xã Toàn Thắng (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết: “Năm 2020 HTX làm ăn thực sự hiệu quả, các thành viên hầu hết đều nuôi thành công, lợi nhuận đạt từ 50-200 triệu đồng mặc dù tình hình COVID giá tôm khá thấp”. Trong khi những người nuôi bình thường không có lời hoặc lỗ. Điều này cho thấy lợi nhuận này có được là từ giá trị các liên kết chuỗi.
Hợp tác xã không hẳn toàn màu hồng. Vấn đề của HTX là đoàn kết các thành viên, điều quan trọng của đoàn kết là mỗi người phải chấp nhận hy sinh lợi ích nhỏ của mình cho lợi ích chung của tập thể. Và duy trì được nó lại phụ thuộc vào sự minh bạch của HTX. Có nghĩa là khi bạn vào HTX bạn phải gác lại một xíu lợi ích cá nhân của mình và chấp nhận rủi ro do những người quản lý HTX gây ra. Còn nếu bạn là chủ tịch HTX bạn sẽ dễ bị các lợi ích cá nhân làm lệch đi mục đích ban đầu của HTX.
Nhiều HTX đang phấn khởi về những thành công ban đầu này và nhiều hợp tác xã mới được thành lập. Để HTX thực sự hoạt động hiệu quả và bền vững thì HTX phải luôn giữ vững nguyên tắc chặt chẽ và chú trọng lợi ích chung của các thành viên.
Tôi nghĩ, để mô hình HTX thành xu hướng nông nghiệp nước ta thì các cơ quan liên quan ngoài việc hỗ trợ ban đầu thì cần phải chuẩn hóa mô hình hoạt động, tiêu chuẩn. Điều này phải có được từ những HTX hiệu quả rồi dựa trên đó viết thành những bộ nguyên tắc, hướng dẫn chi tiết trong hoạt động vận hành. Sau đó áp chúng cho những HTX khác và cải thiện liên tục sao cho HTX đủ linh hoạt phát triển nhưng cũng phải đủ chặt chẽ để tránh tiêu cực. Có như vậy thì mới đảm bảo HTX phát triển bền vững, không làm người dân mất lòng tin vào mô hình HTX.
Khi chúng ta không đủ to để làm việc lớn, nhưng có thể đoàn kết đủ mạnh vẫn có thể làm việc bất cứ to nào.
Đây là kết quả tôi rút ra được sau khi đồng hành cùng ICAFIS một vòng các HTX ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, hy vọng giúp mọi người có thêm góc nhìn về HTX nuôi tôm.