Huế & ớt

Không dễ để lý giải vì sao người Huế khoái ăn ớt và rất nhiều ớt? Và không chỉ người Huế. Tôi quê Quảng Ngãi, 8 tuổi tập kết ra Bắc, 25 tuổi vào chiến trường Nam bộ, sau giải phóng lại ở Đà Nẵng và sau đó thì Quy Nhơn. Nhưng tôi cực kỳ mê ăn ớt.

Huế & ớt
Hến xào ớt xúc bánh tráng. Ảnh: TL

Hồi đi xuống chiến trường Nam lộ Bốn (Mỹ Tho) năm 1972, đi xuyên Đồng Tháp Mười mất đúng một tháng rưỡi, tôi lại bị sốt rét cách nhật. Cứ đều đặn một ngày “nghỉ sốt” thì một ngày sốt. Rất mệt và rất bất tiện khi phải hành quân. Nhưng tôi đã tự chữa bệnh sốt cách nhật này của mình chỉ bằng cách… ăn ớt. Và uống rượu. Rượu đế. Khỏi bệnh luôn. Xem ra, ớt quan trọng với con người hơn là chúng ta tưởng.

Tháng 6/1975, tôi và Ngô Thế Oanh từ Sài Gòn lang thang qua các tỉnh miền Trung rồi ra… Huế. Ngày mới đi chiến trường, tôi từng ước ao trong lòng, là khi nào hòa bình, sẽ được ra Bắc bằng đường số Một. Đi từ Sài Gòn, và ghé Huế. Hai bài hát “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” của Hoàng Vân và sau này của Trịnh Công Sơn đã khiến tôi ao ước mình được thăm Huế trước khi ra Hà Nội. Đúng là cầu được ước thấy. Tôi với Ngô Thế Oanh và Trần Vũ Mai từ Đà Nẵng đi xe đò ra Huế, nơi một người bạn thân của chúng tôi là nhà văn Nguyễn Văn Đồng đang ở. Anh Đồng cùng lớp ở đại học với tôi, cùng lớp viết văn do Hội Nhà văn mở ở Quảng Bá với Trần Vũ Mai và Ngô Thế Oanh. Khi Oanh và Mai đi chiến trường khu Năm, tôi đi Nam Bộ, thì anh Đồng đi chiến trường Trị Thiên - nơi được coi là gian khổ nhất.

Anh Đồng đã bám trụ 5 năm ở chiến trường này, cho tới ngày về Huế giải phóng. Hồi mới hòa bình không có điện thoại, mà sao chúng tôi tìm ra nhau rất nhanh. Mới tới Huế là đã gặp anh Đồng, thế là anh kéo ngay chúng tôi về nhà. Nơi anh ở bên dòng sông An Cựu, hình như số nhà 65 Phan Đình Phùng. Anh ở cùng nhà văn Nguyễn Quang Hà. Vừa tới nhà anh Đồng, thì nhà thơ Trần Phá Nhạc lập tức xuất hiện. Sau vài câu nói nhỏ của anh Đồng, Nhạc lập tức lên đường thực thi nhiệm vụ đặc biệt. Còn ba chúng tôi, là khách, chả có việc gì làm, chúng tôi rủ nhau xuống sông An Cựu bơi.

Bây giờ thì ai cũng biết Huế là “kinh đô ẩm thực”, nhưng hồi đó, mới hòa bình, chúng tôi không có tiền mà cũng chưa có thói quen ngồi quán, nên chỉ thưởng thức ẩm thực Huế tại nhà anh Đồng. Anh Đồng là một chuyên gia nấu nướng bẩm sinh. Ngày đi học tôi đã biết, anh làm món gì cũng ngon, món gì nhậu cũng “bắt”. Sau khi bơi lội đã đời, chúng tôi lên nhà cũng vừa lúc anh Đồng được Quang Hà phụ giúp đã bày xong mâm bát. Trần Phá Nhạc đi thực thi “nhiệm vụ đặc biệt” cũng đã về. Cũng không đặc biệt gì, Nhạc chỉ đi mua… rượu, rượu thuốc, từ một quán rượu nổi tiếng ở Huế hồi đó, quán Thiên Tường. Đây là thứ rượu khá rẻ tiền, nhưng uống được. Chúng tôi lập tức vào mâm. Lại hào hứng nâng ly mừng ngày hội ngộ.

Tôi nhớ nhất món hến xào ớt. Hến một đặc sản của sông Hương, còn ớt là đặc sản của Huế. Nói tới món ăn Huế, đầu tiên phải nói tới ớt. Không có ớt thì không phải món ăn Huế. Hến xào ớt với hành, thực ra cũng là món dễ làm. Hành hương xắt, và ớt trái tươi băm. Đơn giản, nhưng nó ngon lạ lùng. Khi anh Trịnh Công Sơn và mấy anh em văn nghệ Huế như Bửu Ý, Lê Văn Ngăn tới nhậu cùng, họ đều ngạc nhiên nhìn chúng tôi ăn món hến xào đầy ớt. “Các anh cũng ăn được ớt ?”. Chúng tôi cười: “Không ăn ớt thì ăn gì?”. Tất cả cười sảng khoái. Người Huế giỏi ăn ớt. Còn chúng tôi, không phải dân Huế, nhưng là dân gốc…Việt cộng, nên cũng rất giỏi ăn ớt. Hồi chiến tranh, ớt không chỉ giúp chúng tôi ăn ngon lành những bữa cơm quá nghèo đạm và không tốn bạc, mà còn giúp anh em tôi chữa khỏi bệnh sốt rét rừng. Chỉ ăn ớt mà chữa khỏi sốt rét, chắc bây giờ nói vậy chả mấy ai tin.

Anh Trịnh Công Sơn thấy chúng tôi hể hả với món hến xào ớt thì rất vui. Sau này, khi mấy anh em chơi với nhau, chúng tôi và anh Sơn còn nhiều dịp ăn những món Huế nghèo nghèo mà ngon, uống rượu thuốc Thiên Tường rẻ rẻ mà say, nhưng tôi vẫn có cảm giác, món ăn ngon đặc trưng của Huế chính là món hến xào ớt.

Mấy năm nay, mỗi lần ra Huế, tôi lại có dịp ngồi với anh Nguyễn Khoa Điềm và mấy anh em ở cái quán sát bờ sông Vỹ Dạ, đối diện với Cồn Hến. Và trong “thực đơn” của chúng tôi, bao giờ cũng có món “hến xào ớt” lừng lẫy. Lừng lẫy thật, vì ruột hến xào màu xám nhạt, bên trên có màu tím của hành hương, và trên nữa là màu đỏ tưng bừng của ớt. Nhìn đĩa hến xào ớt đã thích mắt, còn ăn thì khỏi chê luôn. Ở Quảng Ngãi quê tôi có món don, cũng rất đặc biệt, nhưng don chỉ nấu nước ăn với bánh tráng nướng và ớt hiểm, còn hến thì phải xào với ớt (cũng có bánh tráng nướng để xúc), và là món nhậu cực kỳ… tốn rượu. Những ngày hòa bình đầu tiên ấy, sao mà nhớ! Chỉ với món hến xào ớt uống kèm rượu thuốc Thiên Tường, mà cả một đoạn ký ức bỗng lung linh.

Báo Thừa Thiên Huế
Đăng ngày 05/12/2018
Thanh Thảo
Ẩm thực

Hương vị ốc ruốc

Tại Bình Định, thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba (âm lịch) là thời điểm nhiều người đổ về các vùng biển để cào ốc ruốc. Ốc ruốc có kích thước bằng đồng đều hạt cúc áo, đủ màu sắc, khá xinh xắn, khi ăn xong có nhiều người gom vỏ ốc để kết thành rèm cửa, xâu chuỗi đeo tay…

Ốc ruốc
• 11:00 26/03/2024

Vào mùa cá dìa Bình Định với các món ngon

Tại tỉnh Bình Định, Cá Dìa bông (Siganus guttatus, Bloch 1787) là loài cá nước lợ - mặn, có giá trị kinh tế khá cao. Khi còn nhỏ, cá sống chủ yếu ở vùng đầm phá, cửa sông; lúc trưởng thành thì di cư ra biển, tìm đến các ghềnh đá, bãi san hô... để sinh sản.

Cá dìa
• 10:10 13/03/2024

Gợi ý những món khô để nhâm nhi ngày cuối tuần

Cuối tuần là khoảng thời gian để gia đình, bạn bè hội họp để gặp gỡ nhau, vậy bạn đã chuẩn bị những món gì để chiêu đãi cả nhà đây ạ? Sau đây, Tép Bạc sẽ gợi ý cho bạn những món khô để nhậu nhâm nhi, góp phần tăng không khí vui vẻ và đầm ấm nhé!.

Món khô ngon
• 08:00 21/02/2024

Điểm danh các loài hải sản tươi sống làm Sashimi

Sashimi là một món ăn khá đặc biệt trong ẩm thực Nhật Bản. Không giống như Sushi với sự kết hợp đa dạng của nhiều nguyên liệu, Sashimi chỉ tập trung vào duy nhất một thành phần chính: hải sản tươi sống. Cùng Tép Bạc điểm danh các loại hải sản làm Sashimi ngon nhất Nhật Bản nhé.

Sashimi
• 10:26 17/02/2024

Bạc Liêu: Tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm

Tép Bạc đã phản ánh, năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đứng đầu cả nước về sản lượng tôm nước lợ và kim ngạch xuất khẩu nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Bạn đọc muốn biết thêm tiến độ đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nổi tiếng ở Bạc Liêu nên xin cung cấp thêm thông tin.

Khu nuôi tôm công nghệ cao
• 23:11 28/03/2024

Tập huấn ứng dụng công nghệ trong bảo quản cá ngừ đại dương

Chiều ngày 27.3, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Bình Định và Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT) tổ chức tập huấn quy trình công nghệ khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương cho 50 ngư dân làm nghề câu cá ngừ trên địa bàn phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn.

Cá ngừ
• 23:11 28/03/2024

Như thế nào để tôm được vận chuyển đúng cách?

Tôm cũng giống như các hàng hóa khác, phân loại theo nhu cầu của khách hàng mà được vận chuyển đến các nơi khác nhau, với hai giai đoạn cơ bản như tôm giống được vận chuyển từ các trại giống đến ao nuôi và tôm thương phẩm được vận chuyển đến các chợ đầu mối, nhà máy chế biến. Vậy cách nào để có thể vận chuyển chúng một cách an toàn, tiết kiệm mà vẫn hiệu quả nhất? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé!

Tôm đông lạnh
• 23:11 28/03/2024

Biện pháp hạ phèn hiệu quả nhanh chóng

Chắc chắn rằng việc ao nuôi bị nhiễm phèn không còn là điều quá xa lạ đối với những người nuôi trồng thủy sản. Phèn xuất hiện trong ao nuôi tôm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và sản lượng của vụ nuôi.

Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn
• 23:11 28/03/2024

Tôm đang trong ao bị thối đuôi: Nguyên nhân và cách điều trị

Tôm bị thối đuôi là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Bệnh có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao, ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ thương phẩm
• 23:11 28/03/2024