Hàng năm khi lũ về, những ao nuôi cá ở vùng trũng thường bị ảnh hưởng. Để đảm bảo an toàn, đối với những ao không bị ảnh hưởng trực tiếp của lũ, người nuôi cần củng cố, tu bổ và kiểm tra các bờ ao, bờ cống. Bờ ao phải đắp cao hơn mức nước từ 0,4- 0,5m trở lên.
Bố trí đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ; chuẩn bị lưới, đăng chắn, dụng cụ cuốc, xẻng gia cố sửa chữa hệ thống bờ bao, cống khi có tình huống xấu xảy ra.
Trong trường hợp không thể gia cố bờ cao hơn có thể dùng lưới nilon cùng với các cột tre, gỗ vây xung quanh ao để tránh cá đi mất khi nước dâng cao, tràn bờ. Đồng thời, đầm nện chắc chắn, tránh rò rỉ, nước tràn bờ.
Bên cạnh đó cần phát quang cây xung quanh bờ đê để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi và đề phòng khi có gió lớn cây đổ ngã có thể làm vỡ đê bao sẽ làm thất thoát cá.
Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, có kế hoạch thu hoạch sản phẩm trước khi có bão. Khi mưa lũ xảy ra, phải kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.
Đối với nuôi cá lồng bè, anh cần thường xuyên kiểm tra, tu sửa lại những chỗ yếu, dễ hư hỏng, vệ sinh tẩy dọn lồng sạch sẽ để đảm bảo nước lưu thông nhanh và môi trường trong sạch;
Củng cố lại các dây neo, di chuyển lồng, bè nuôi vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn làm bể lồng, bè.
Đặc biệt phải quan tâm đến tình trạng khung lồng, bè do nước lũ hoặc gió làm bể khung lồng, cuốn trôi làm thất thoát cá.
Riêng cá nuôi vây trong hồ chứa, thời kỳ chuẩn bị thu hoạch cũng như đang nuôi cần phải kiểm tra lại đăng, lưới chắn.
Đăng lưới chắn phải được thiết kế hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhanh nơi cổng xả tràn nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lớn xảy ra.