Hiện tại, ở các tỉnh thành phía Nam, ngành hàng thủy sản đồng loạt gặp khó ở cả hai hướng chính là khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Về khai thác, do ảnh hưởng dịch bệnh nên tàu đánh bắt cá giảm nhiều. Đáng lo hơn là thu mua hầu như không có do không xuất khẩu sang Trung Quốc được. Ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho biết, 80% sản lượng cá cơm khai thác được được chuyển sang làm mắm vì không có người mua.
Tại các tỉnh nuôi trồng thủy sản trọng điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long, kỳ thu hoạch rơi vào đúng đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, nên dù đã có nhiều biện pháp xử lý nhanh nhưng thủy sản vẫn đang tồn đọng lượng lớn, giá mua các mặt thàng thủy sản nuôi trồng của địa phương giảm mạnh.
Làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT Đồng Nai báo cáo điển hình chỉ riêng tại một trại nuôi cá Sông Mây (huyện Vĩnh Cửu) đang tồn đọng 20 tấn cá rô lai, 50 tấn cá tra, 50 tấn cà vồ đém… vì không tìm được nơi tiêu thụ. Tỉnh An Giang cho biết cá nàng hai còn tồn 100-200 tấn, điêu hồng 100 tấn mỗi tuần, cá he và mè Vinh 100 tấn, cá hú 60 tấn, chạch lấu 4 tấn. Các địa phương như Cà Mau thì giá tôm thẻ, giá cá các loại giảm 10-30%. Tỉnh Bình Thuận sản lượng ghẹ, mực ghim, cá mú, cá hồng, cá ngừ… giảm nhẹ do khó vận chuyện vào các tỉnh, tỉnh cũng đang thiếu nhân công và cả phương tiện để thu mua thủy hải sản.
Tháo gỡ khó khăn, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã đề nghị UBND các địa phương phía Nam vừa đảm vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, theo dõi hỗ trợ việc thu hoạch thủy sản, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch. Các địa phương không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, ưu tiên xét nghiệm và tiêm vắc xin cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối, thương lái. Đầu tiên, có phương án thu gom thủy sản giảm việc đi lại để đảm bảo phòng dịch cũng như giảm chi phí dịch vụ. Ngành Nông nghiệp các tỉnh đầu tiên là duy trì sản xuất trước mắt, ổn định chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu.