Với tổng số phương tiện đánh bắt thủy hải sản 1.236 chiếc và thu hút gần 7.140 ngư dân tham gia, cho sản lượng khai thác trong 9 tháng năm nay hơn 89.250 tấn, đạt 82,64% kế hoạch, đã phản ánh những đóng góp quan trọng của hoạt động khai thác đối với phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động của địa phương từ hoạt động khai thác mang lại. Bởi, ngoài những lao động trực tiếp trên biển, còn kéo theo nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ từ nghề biển như: cung cấp thực phẩm, xăng dầu, nước đá, ngư lưới cụ, sửa chữa tàu, vá lưới, xẻ khô biển... Và đây trở thành một trong những nguồn thu thuế quan trọng của nhiều địa phương có thế mạnh từ kinh tế biển như: huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản cũng chính là góp phần cho phát triển kinh tế biển và thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn lâu nay của ngư dân chính là thiếu vốn. Ngoài nguồn vốn đầu tư cho cải hoán, nâng cấp tàu có công suất lớn, trang bị phương tiện hiện đại cho đánh bắt xa bờ, còn một khó khăn luôn tồn tại cho cả doanh nghiệp và ngư dân chính là “khát” vốn lưu động. Đây là nguồn vốn cần cho hoạt động hàng ngày, nhưng các doanh nghiệp và ngư dân vẫn cứ phải chạy vốn cho từng chuyến đi biển. Đó là nguồn vốn đầu tư cho phi chí, sinh hoạt đánh bắt của ngư dân từ những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển và thu mua nguyên liệu thủy sản của doanh nghiệp. Có người còn gọi đó là đồng “vốn nóng” vì nó luôn cần và giải quyết kịp thời các nhu cầu bức thiết của ngư dân thông qua việc đầu tư từ các doanh nghiệp thu mua thủy hải sản.
Chính lý do này mà vốn lưu động là đồng vốn không thể thiếu cho phát triển các nghề dịch vụ hậu nghề cá. Song, cả ngư dân và doanh nghiệp đến nay vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này vì cơ chế và quá nhiều thủ tục nhiêu khê cứ làm khó người vay. Đây là lý do mà nhiều doanh nghiệp và ngư dân thà chấp nhận vay vốn bên ngoài với lãi suất cao, thay vì vay vốn ngân hàng để hưởng hỗ trợ lãi suất. Tính đến tháng 9/2016, toàn tỉnh chỉ có 22 hộ ngư dân đủ điều kiện vay vốn lưu động, với tổng số tiền 17,2 tỷ đồng.
Phát triển kinh tế biển là một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh. Trong đó có việc đẩy mạnh đầu tư và nâng cao hiệu quả của hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản. Xuất phát từ mục tiêu quan trọng này, việc tập trung giải pháp và xử lý có hiệu quả các vướng mắc, bấp cập trong thực hiện Nghị định 67 (nay là Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67) cần được các ngành, địa phương làm tốt để ngư dân thật sự được hưởng lợi từ chính sách mang lại và tiếp thêm động lực cho hoạt động khai thác thủy sản phát triển.