Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã An Ninh (Châu Thành), chúng tôi tìm đến cơ sở chế biến khô cá lóc của anh Danh Thái Tường ở ấp Chông Nô. Anh Tường đang đóng gói khô để giao cho khách hàng nhưng vẫn tiếp đón chúng tôi niềm nở. Năm nay, anh Tường 37 tuổi nhưng đã làm chủ cơ sở chuyên chế biến khô cá lóc lớn ở địa phương.
Khi nói về cơ duyên gắn bó với nghề làm khô, anh chân tình chia sẻ: “Năm 2011, tôi làm tiếp thị cho một công ty mỹ phẩm, công việc phải đi nhiều mà thu nhập không bao nhiêu. Có nhiều lúc thấy cũng nản, tôi nghĩ, tại sao người ta làm được sản phẩm bán ra thị trường mà mình thì không. Từ đó, sau 8 năm tích cóp được số vốn, cùng với những kinh nghiệm về thị trường, tôi quyết định mở cơ sở chế biến khô cá lóc tại nhà”.
Anh Danh Thái Tường ở ấp Chông Nô, xã An Ninh (Châu Thành) bên sản phẩm khô cá lóc thành phẩm.
Năm 2016, cơ sở khô cá lóc của anh Tường được thành lập. Lúc đầu, cơ sở hoạt động còn làm nhỏ lẻ, thiếu nguồn vốn, diện tích đất để phơi khô còn hạn hẹp và điều quan trọng hơn là thị trường tiêu thụ khô của cơ sở chưa được mở rộng. Để khắc phục khó khăn ban đầu, anh đi tìm kiếm thị trường khắp nơi trong và ngoài tỉnh.
Anh Tường bộc bạch: “Ban đầu thấy sản phẩm của mình làm ra chưa được thị trường biết đến nên cũng thấy buồn. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất. Thấy vậy, tôi đã đi tìm kiếm thị trường, ban đầu trực tiếp đi đến các vựa khô để giới thiệu sản phẩm tới khách hàng lần đầu, nếu không được lại đến lần thứ 2, rồi lần thứ 3… Thấy mình kiên trì nên nhiều khách hàng cũng mua dùng thử, thấy ngon và đặt hàng nhiều lên”. Với sự kiên trì và lòng quyết tâm nên khô cá lóc ở cơ sở của anh Tường đã dần được thị trường chấp nhận và “lấy lòng” được khách hàng.
Để có đủ lượng hàng, ngoài mua cá nguyên liệu trong tỉnh, anh Tường còn đặt cá nguyên liệu ở các tỉnh lân cận, như: Hậu Giang, Trà Vinh. Hiện nay, trung bình một ngày cơ sở của anh Tường chế biến khoảng 1 tấn cá lóc tươi và thu được khoảng 200kg khô thành phẩm. Theo anh Tường, vào dịp cuối năm có thể chế biến tăng gấp từ 3 đến 4 lần ngày bình thường.
Để làm ra sản phẩm khô cá lóc chất lượng thì phải trải qua nhiều công đoạn. Sau khi cá lóc tươi mua về bỏ đầu, đánh vẩy, bỏ ruột, bỏ xương rồi ướp gia vị. Trong đó, khâu ướp gia vị rất quan trọng, ướp càng lâu thì cá thấm gia vị càng ngon. Đối với cá lóc loại lớn thì ướp khoảng 24 tiếng đồng hồ, còn cá nhỏ khoảng 12 tiếng đồng hồ. Các gia vị chính để ướp cá gồm: muối, tỏi, ớt, đường, tiêu… nhưng cũng tùy theo khẩu vị của khách đặt hàng mà có phương pháp tẩm ướp khác nhau cho phù hợp. Sau khi ướp gia vị xong mang ra phơi dưới trời nắng nóng khoảng 4 ngày để cá khô ngon, ngọt, không bị ẩm mốc và giữ được màu đẹp.
Khi mới thành lập, cơ sở chủ yếu làm thủ công nhưng khách hàng đặt ngày càng nhiều, anh đã đầu tư máy móc để chế biến. Để giảm sức lao động và rút ngắn thời gian chế biến, anh Tường đã tự tìm tòi, sáng tạo và lên internet tham khảo mẫu mã sau đó tự làm máy đánh vẩy cá. Nếu như trước đây cá được đánh vẩy bằng tay mất rất nhiều thời gian và chi phí cho nhân công cũng nhiều, thì từ khi có máy, mỗi lần có thể đánh vẩy được 50kg cá.
Ngoài ra, để khắc phục tình hình bất lợi của thời tiết, nhất là vào mùa mưa và có sản phẩm cho khách hàng thường xuyên, cơ sở của anh đã đầu tư máy sấy với trị giá hàng trăm triệu đồng. Dùng máy sấy chỉ mất khoảng 24 tiếng đồng hồ sẽ xong một mẻ sản phẩm. Tuy nhiên, theo anh Tường nếu phơi được trời nắng tự nhiên thì sản phẩm vẫn thơm và giữ được màu đẹp.
Bình quân, mỗi ngày, cơ sở của anh cung cấp ra thị trường từ 100kg đến 200kg khô cá lóc, lúc cao điểm có thể gấp mấy lần, nhất là vào các dịp tết. Hiện khô cá lóc do cơ sở anh Tường sản xuất bán sỉ với giá khoảng 160.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán cũng lên xuống theo giá cả của thị trường. Theo anh Tường, nếu so với năm ngoái thì lượng khách hàng đặt nhiều và sớm hơn. Cơ sở chủ yếu cung cấp khô cá lóc cho các vựa khô trong tỉnh. Ngoài ra, sản phẩm khô của anh cũng có mặt ở một số vựa khô của tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh lân cận.
Ngoài sản xuất ra những sản phẩm khô cá lóc chất lượng, an toàn thì cơ sở của anh Tường còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng/người.
Anh Danh Thái Tường cho biết: “Thời gian tới, không biết giá khô cá lóc có biến động nhiều không nhưng cơ sở của tôi vẫn sản xuất đều đặn để đảm bảo đủ khô cho những khách hàng quen. Ngoài ra, cơ sở lúc nào cũng phải sản xuất dự trữ khô để cung cấp khi thị trường cần, đặc biệt trong dịp cuối năm. Hướng tới, tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất để tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động nhàn rỗi tại địa phương; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường để đầu ra ổn định hơn”.