Theo đó, tại phường Yên Thanh, thành phố đã triển khai dự án nâng cấp chống quá tải hệ thống điện cho vùng nuôi trồng thủy sản, tổng đầu tư trên 3,6 tỷ đồng, hỗ trợ 3 tỷ đồng thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng. Cùng với đó, bằng nhiều nguồn vốn, phường đã dành hàng tỷ đồng đầu tư hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông nội bộ, thủy lợi. Phường cũng đã vận động thành lập được 2 chi hội và HTX Nuôi trồng thủy sản Yên Thanh; đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký tôm Yên Thanh tham gia chương trình OCOP 2018. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chấp hành quy định của Nhà nước, xử lý kịp thời những vi phạm về đất đai.
Đến nay, toàn phường có 55 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 160ha, 100 hộ nuôi thả cá ghép với diện tích 200ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn từ đầu năm đến nay đạt 316 tấn, bằng 105,3% kế hoạch thành phố giao.
Còn tại xã Điền Công đã quy hoạch chi tiết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung có tổng diện tích 92ha, với nguồn vốn 1,2 tỷ đồng. Hiện thành phố đang tích cực kêu gọi đầu tư vào vùng quy hoạch.
Song song với đó, thời gian qua, công tác quản lý đất nuôi trồng thủy sản được Uông Bí thực hiện nghiêm túc. Thành phố cũng thường xuyên kiểm tra nắm bắt tình hình đối với diện tích đất bãi triều nằm ngoài các tuyến đê; quản lý sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân có diện tích đất được giao, được cho thuê và đất rừng ngập mặn; xử lý kịp thời và không để phát sinh các trường hợp vi phạm.
Kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm thẻ chân trắng tại hộ nuôi Vũ Văn Hảo, thôn 1, xã Điền Công.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, trong phát triển vùng nuôi trồng thủy sản vẫn còn một số khó khăn. Cụ thể, thành phố có rất nhiều dự án lớn về phát triển đô thị, khu công nghiệp công nghệ cao đang nghiên cứu quy hoạch. Một số hộ dân đang sử dụng đất nuôi trồng thủy sản đã hết hạn nằm trong ranh giới quy hoạch của các dự án không được tiếp tục gia hạn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong việc đầu tư sản xuất.
Vấn đề môi trường chưa được xử lý triệt để cũng tác động không nhỏ tới hoạt động nuôi trồng thủy sản. Ông Nguyễn Hữu Đoàn, Chủ tịch UBND phường Yên Thanh cho biết: Nhằm khai thác lợi thế, thời gian tới, phường sẽ tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, trong đó đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ chân trắng an toàn kết hợp nuôi trồng thủy sản sinh thái với đối tượng nuôi tự nhiên tại khu vực bãi triều, rừng ngập mặn. Tuy nhiên, do có địa hình trũng thấp nên vùng nuôi này đang chịu tác động từ nước thải của khu vực xung quanh như khu đô thị Thanh Sơn, cơ sở giết mổ gia súc tập trung Vang Thanh Dương, Công ty Giày da Sao Vàng... Còn dự án hồ điều hòa khu Thanh Tây để xử lý nước thải cũng như cung cấp nước sản xuất thì chưa được đầu tư.
Không riêng phường Yên Thanh, xã Điền Công cũng gặp những khó khăn, như: Diện tích các đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã tương đối lớn (từ 10ha trở lên) đòi hỏi nguồn vốn đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khá cao. Tuy nhiên, phần lớn diện tích là nuôi quảng canh, nhỏ lẻ, ít áp dụng kỹ thuật. Thêm vào đó, toàn xã có 9/14 hộ sử dụng đất đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, song chưa được gia hạn do nằm trong nhóm có diện tích nuôi trồng chưa đảm bảo khoảng cách quy định với chân đê phòng hộ đang rà soát. Điều này khiến các hộ dân dè dặt trong việc đầu tư.
Thiết nghĩ, TP Uông Bí cần tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn này để đảm bảo các mục tiêu của Đề án 125.