Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 1.550 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt nặng sau bão số 10, tập trung chủ yếu ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy với tổng thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng (chưa tính đến thiệt hại do sạt lở và hư hại hồ đập).
Theo đó, diện tích tôm nuôi được khoảng 2 tháng, chưa thu hoạch kịp bị hiệt hại gần 200 ha với sản lượng mất trắng khoảng 800 tấn. Thiệt hại nặng nhất đó là các cơ sở nuôi trồng và doanh nghiệp nuôi tôm trên cát ven biển như: Công ty cổ phần Đức Thắng, Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển (xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới), Công ty TNHH Thanh Hương (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) và một số hộ dân ở các xã Nhân Trạch, Trung Trạch, huyện Bố Trạch.
Diện tích còn lại là các ao hồ nuôi cá nước ngọt và nuôi cá vụ 3 ở huyện Lệ Thủy, nuôi cá lóc thâm canh ở 3 xã miền biển: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy và nuôi cá chẽm lồng ở Quảng Trạch, nuôi cá lồng ở huyện Tuyên Hóa và huyện Bố Trạch.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cho chúng tôi biết thêm: Ngoài những thiệt hại về tài sản như nhà cửa và trường học bị tốc mái, cây trồng bị gãy đỗ thì đợt mưa bão vừa qua, các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản phải gánh chịu nhiều tổn thất nhất. Toàn bộ diện tích và sản lượng của 60 ha nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã bị mất trắng, trong đó số diện tích của các cơ sở đang chuẩn bị thu hoạch vụ 2 đều bị cuốn trôi.
Hiện tại, các hộ nuôi trồng có ao hồ bị thiệt hại đã tiến hành làm vệ sinh và gia cố lại những đoạn bờ bị sạt lở. Một số hộ khác may mắn còn sót lại một số ít cá trong hồ thì tiếp tục nuôi vỗ để chờ xuất bán. Công ty TNHH thủy sản Hưng Biển có tổng diện tích sản xuất 43ha, trong đó có 10ha nuôi tôm công nghiệp, còn lại là các khu chăn nuôi liên hợp, nuôi lợn rừng và đà điểu. Bão số 10 đã phá hỏng hầu như hoàn toàn các khu chuồng trại chăn nuôi, 3ha tôm chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng. Ước tính giá trị thiệt hại của doanh nghiệp trên 6 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thanh Hương có 10ha nuôi cá nước ngọt với các loại cá thuộc giống quý vừa mới nuôi thử nghiệm thành công như: cá đối mục, cá chẻm và 3ha nuôi tôm công nghiệp mất trắng hoàn toàn. Giá trị thiệt hại ước tính khoảng 10 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, toàn bộ diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đều bị ngập sau bão số 10. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất vẫn là diện tích ao nuôi cá giống nước ngọt ở các địa phương. Nếu không khẩn trương khôi phục nghề nuôi thủy sản nước ngọt thì trong vài ba tháng nữa, nguồn thực phẩm thủy sản sẽ thiếu hụt và kéo theo hệ lụy là giá thủy sản sẽ tăng cao.
Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nhằm giảm thiệt hại sau bão lũ, ông Trần Đình Du, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các hộ nuôi trồng thủy sản nên kiểm tra tôm, cá nuôi, nếu đạt cỡ thương phẩm bán được cần tiến hành thu hoạch ngay. Nếu tôm, cá chưa bán được cần thực hiện các giải pháp như: gia cố bờ bao, cống bọng tại các ao nuôi thủy sản, dùng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để bao xung quanh ao, hạn chế thay nước cho ao nuôi thủy sản trong thời điểm nước dâng và nước rút do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt, nước có nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên ruộng và đặc biệt là tránh gây xáo động trong môi trường nuôi.
Trong quá trình lưu giữ cá vào mùa lũ cần cho ăn tích cực, cho ăn thức ăn giàu đạm dễ tìm như: cua, ốc, cá nhỏ. Sau bão, không nên thu hoạch đồng loạt để tránh bị rớt giá và làm ô nhiễm nguồn nước do nước thải ra từ các ao nuôi thủy sản. Cùng với việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão, các doanh nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh cần chia sẻ, động viên và tương trợ lẫn nhau để dần ổn định trở lại và chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.