Đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Mai, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã có 13 năm nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích 2 ha, được phân thành 12 ao. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi hiệu quả kinh tế vẫn chưa cao, sản phẩm tiêu thụ không ổn định. Chính vì vậy, sau khi tham khảo thị trường, gia đình chị đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu quy trình nuôi tôm thâm canh theo hướng VietGAP, tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức và áp dụng nuôi trong 8 ao.
Chị Mai, cho biết: Số tiền đầu tư nuôi tôm thâm canh theo hướng VietGap là 10 tỷ đồng và gia đình đã thực hiện cải tạo ao đầm, xây dựng ao nuôi có mái che để nuôi tôm vụ đông, máy bắn thức ăn.... Tuy nhiên, vụ nuôi đầu tiên năm 2018, gia đình gặp rủi ro do chất lượng con giống không bảo đảm dẫn đến kích cỡ của tôm không đạt yêu cầu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để tiếp tục triển khai nuôi tôm thẻ chân trắng trong năm 2019, gia đình sẽ tìm hiểu để mua con giống khi thả nuôi đạt chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo chị, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, thì chất lượng con giống phải tốt, được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch. Trước khi thả giống, người nuôi phải tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường nước, như: Độ PH, độ kiềm, độ mặn... để điều chỉnh cho phù hợp, tránh gây sốc cho tôm.
Tương tự, một số hộ dân ở các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương cũng đang áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP; tuy nhiên, trong quá trình nuôi còn lúng túng do trình độ kỹ thuật còn hạn chế, cơ sở hạ tầng ao nuôi chưa được đầu tư bảo đảm theo tiêu chuẩn,... dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.
Được biết, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tới các hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGap tại các xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Nga Tân (Nga Sơn), Đa Lộc (Hậu Lộc) và Hải Châu (Tĩnh Gia). Qua tổng kết các mô hình nuôi tôm theo hướng VietGAP, sau thời gian nuôi 3 tháng cho thu hoạch, tỷ lệ tôm sống đạt 65,5%, năng suất đạt 10,689 tấn/ha, doanh thu cao gấp khoảng 1,5 lần so với mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường. Tuy nhiên, VietGAP là một quy chuẩn, việc áp dụng cần phải có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài. Đa số các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng ao nuôi không đạt tiêu chuẩn, nguồn vốn còn thiếu nên chưa bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP. So với nuôi truyền thống, hộ nuôi VietGAP phải kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, như nước, thức ăn, con giống...; mọi quy trình chăm sóc, sử dụng thuốc, hóa chất đều được ghi chép cẩn thận vào nhật ký ao nuôi, trong khi hầu hết người dân đã quen với tập quán sản xuất cũ, chỉ dựa vào kinh nghiệm. Bên cạnh đó, có một thực tế là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP có chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, công lao động nhiều hơn nhưng khi thu hoạch thì năng suất chỉ tăng 20 - 30%... Ngoài ra, khâu quản lý, lưu thông còn khó khăn do chưa quản lý được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Những năm qua, nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng VietGAP đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng để nhân rộng, cần tạo sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Trước hết cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thay đổi cách nghĩ và phương pháp nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, hỗ trợ kiến thức cho người nuôi trồng. Đối với người nuôi, sản xuất cần tuân thủ theo quy chuẩn VietGAP, mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, con giống chất lượng cao,... cũng như kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và bảo đảm chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý.