Sinh năm 1986, Đào Văn Thắng (ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương) từng học trắc địa công trình ở Hà Nội ra đi làm được 2 năm, rồi chuyển sang làm ở một ngân hàng lớn. Năm 2014, khi công việc đang yên ổn, Thắng bỏ về quê nuôi lươn. Ban đầu anh đầu tư vào nuôi lươn, tuy nhiên sau 5 tháng anh nhận thấy nuôi lươn không tìm được nguồn giống tốt, chi phí chăn nuôi cao vì vậy anh chuyển sang nuôi chạch Quế. Anh Thắng cũng là hộ dân đầu tiên ở địa phương thử nghiệm nuôi chạch Quế trên đất ruộng.
Chạch Quế anh Đào Văn Thắng nuôi ở ruộng có chất lượng thơm ngon, màu sắc bắt mắt, nuôi đến đâu bán hết đến đó.
Với 6 sào đất ruộng, anh tiến hành cải tạo đào thành 3 ao với diện tích mặt nước gần 2.000m2 để nuôi chạch. Ban đầu, anh Thắng mua 5.000 con chạch giống từ Nam Định với giá 3 triệu đồng. Thấy chạch sinh trưởng tốt, anh đẩy mật độ lên nhiều hơn với 40.000 con giống. Chỉ sau 5 tháng, anh thu hoạch được 1,4 tấn chạch thương phẩm, trừ chi phí lãi hơn 150 triệu đồng.
Kỹ thuật “vàng” cho chạch sinh trưởng tốt
Anh Thắng cho biết: “Chạch Quế là đặc sản nước ngọt, dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, thời gian nuôi ngắn, ít bệnh, tỷ lệ sống cao, thích hợp nuôi trong đất ruộng lúa. Ngoài ra, chạch có sức đề kháng cao, quá trình nuôi cũng không phức tạp và đầu ra khá ổn định nếu như mình nắm vững đúng quy trình chăn nuôi”.
Khi bỏ việc ngân hàng về quê lấm lem bùn đất be bờ nuôi chạch, nuôi lươn, nhiều người kêu anh Thắng là bị khùng, điên, chập mạch, nhưng giờ thì ai cũng cho rằng quyết định của anh chàng này là đúng và Thắng cũng cảm thấy hài lòng với công việc mình yêu thích.
Theo anh Thắng, để giống chạch Quế sinh trưởng tốt nhất thì đầu tiên cần chú trọng đến khâu xử lý nước ruộng, định kỳ 15 ngày/lần, trong ruộng được thiết kế hệ thống túi lọc để tiến hành lọc nước. Mực nước đạt tiêu chuẩn tốt nhất là 1,5m, thường xuyên phải kiểm tra nguồn nước để phát hiện và xử lý mầm bệnh cũng như các loài thiên địch.
Nguồn thức ăn chủ yếu cho chạch Quế là giun quế, viên cám công nghiệp, cá tạp và ốc bươu vàng xay nhỏ. Anh Thắng cũng chú trọng khâu tự sản xuất nguồn thức ăn để vừa đảm bảo vừa giảm được chi phí đầu vào. Thời điểm cho chạch ăn thích hợp nhất là vào buổi sáng và buổi chiều, anh thường chia nhỏ bữa ăn để chạch có thể ăn hết thức ăn vừa không lãng phí lại giúp giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm nguồn nước...
Anh Thắng cho biết, đối với chạch giống, khi lớn bằng đầu đũa là có thể bán ra thị trường. Chạch giống có giá dao động từ 120.000 đến 150.000/kg, hoặc có thể bán theo con từ 700 – 1.000 đồng/con. Mỗi tháng, anh thu về từ 15 – 20 triệu đồng từ bán chạch giống
Mỗi tháng, anh Thắng tiến hành phòng bệnh cho đàn chạch bằng cách tạt dung dịch nước khử khuẩn ruộng, cho chạch ăn vitamin A, B, C, men tiêu hóa hằng ngày để chạch phát triển tốt nhất. Nhờ áp dụng tốt phương pháp kỹ thuật, chỉ mấy tháng trở lại đây, với 4 ruộng anh thả 50.000 con chạch, đem về thu nhập gần 1,5 tấn chạch thịt, giá chạch dao động từ 80 – 120.000 đồng/kg trừ đi chi phí anh lãi hơn gần 150 triệu đồng.
Nhận thấy chạch Quế sinh trưởng tốt trên đất ruộng, đầu ra ổn định khi được các thương lái đến đặt mua tận nơi, anh Thắng đã nhân rộng mô hình cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, anh Thắng còn tiến hành nuôi chạch sinh sản. Anh Thắng cho biết: “Để cho chạch đẻ phải chọn con cái và con đực khỏe mạnh, vớt riêng ra nuôi riêng một bể. Khi chạch đẻ xong phải vớt trứng ra đưa vào lồng ấp, khoảng 3 ngày thì chạch nở. Ngay khi kích thước chạch bằng sợi tóc là có thể thả ra ao, ra ruộng”.
Hiện tại, ở Nghệ An đang phát triển mạnh các mô hình thủy sản, nhưng anh Thắng là người đầu tiên áp dụng và đạt thành công từ mô hình nuôi chạch Quế. Trong thời gian tới, anh sẽ mở rộng thị trường và chia sẻ kinh nghiệm để có thể phát triển mô hình nuôi chạch ở địa phương.