Tiến thoái lưỡng nan
Ông Trần Tăng ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền) nan giải: Tôm đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua, hoặc có người mua giá quá thấp nên các hộ nuôi không thể bán vì sợ thua lỗ. Khi tôm đạt kích cỡ thu hoạch sẽ hao tốn lượng thức ăn rất lớn nên càng để lâu càng tăng chi phí đầu tư.
Người dân nuôi tôm trên cát đang đứng trước cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, thu hoạch tôm bán bị lỗ đã đành, giữ tôm lại nuôi chờ tăng giá cũng bị lỗ, nguy cơ rủi ro rất cao.
Các thương lái chia sẻ, lâu nay tôm nuôi trên cát ở Ngũ Điền nói riêng và trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung không đạt chất lượng, kích cỡ để xuất khẩu theo quy chuẩn, yêu cầu của thị trường. Sản phẩm của người dân chủ yếu tiêu thụ trong nước, chế biến các món ẩm thực phục vụ tiệc cưới, liên hoan, các nhà hàng, khách sạn.
Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các tiệc cưới, liên hoan bị hạn chế rất lớn, các nhà hàng, khách sạn không thu mua sản phẩm nên tôm nuôi không thể tiêu thụ.
Vụ này, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nuôi khoảng 500 ha tôm thẻ chân trắng trên cát ven biển, phần lớn tại vùng Ngũ Điền chiếm khoảng 400 ha, còn lại các huyện Phú Vang, Phú Lộc.
Do thời vụ, thời điểm thả nuôi của các hộ dân không thống nhất nên nhiều diện tích đến nay vẫn chưa thu hoạch. Trong khi đó, các diện tích thu hoạch những ngày sau tết đã tiêu thụ tốt, giá tuy không cao nhưng vẫn có lãi, nhiều hộ lãi 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng.
Với các diện tích thả giống muộn, đến thời điểm này mới đến thời kỳ thu hoạch (ước sản lượng 1.200 tấn) nhưng “bí đầu ra” vì thị trường tiêu thụ rất hạn chế, giá tôm thấp.
Ao hồ nuôi tôm thẻ chưa thể thu hoạch vì "bí đầu ra"
Tìm nơi bao tiêu sản phẩm tôm nuôi trên cát cho người dân
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trương Văn Giang thông tin, thời điểm này, các sản phẩm thủy, hải sản đánh bắt tự nhiên trên biển và đầm phá vẫn đang tiêu thụ tốt, giá cả tương đối ổn định, chưa có vấn đề gì đáng lo ngại.
Các loại thủy sản nuôi (ngoài tôm) như cua, cá “đặc sản”, cá nước ngọt chủ yếu tiêu thụ trước, trong và sau tết; hiện sản lượng đang cho thu hoạch còn rất ít, không ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ cũng như giá cả.
Đối với các loại thủy sản chưa thể thu hoạch do không tiêu thụ được, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động người dân giữ lại nuôi; đồng thời triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn, phòng trừ dịch bệnh, điều phối lượng thức ăn hợp lý (có thể giảm) nhằm hạn chế chi phí đầu tư. Các hộ thường xuyên kết nối, liên hệ với các chủ nhà hàng, khách sạn để tiêu thụ sản phẩm khi họ có nhu cầu.
Để “giải cứu” khoảng 1.200 tấn tôm tại vùng Ngũ Điền, UBND huyện Phong Điền tiến hành nâng cấp Hợp tác xã Nuôi tôm Phong Hải, có trách nhiệm thu mua và liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang hỗ trợ, liên hệ với Công ty CP Chăn nuôi CP để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Giá cả tùy thuộc vào kích cỡ, chất lượng sản phẩm theo quy định của công ty, song đảm bảo “đôi bên cùng có lợi”, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.