Trong vụ nuôi tôm năm 2013 đã có hơn 200 trạm hạ thế điện bị quá tải, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt ở nông thôn, mà nguyên nhân chủ yếu là do khai thác điện sinh hoạt vào nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm 2014, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ tăng rất cao, tình trạng quá tải đối với lưới điện sinh hoạt ở các vùng nuôi tự phát của Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu và Cù Lao Dung là rất lớn. 1 hộ nuôi tôm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên nói như sau: “Ban đêm 2 cái mutưa thì chỉ chạy được 1 cái, mà nó cháy liền liền. Nếu chuyển sang nuôi thẻ thì nhu cầu của bà con cần điện là rất lớn”.
Nhu cầu sử dụng điện sản xuất đối với vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh là chính đáng. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều vùng nuôi bán thâm canh chưa có điện sản xuất. Đối với các vùng nuôi đã được quy hoạch thì ngành Điện cần đầu tư hạ thế lưới điện 3 pha để giúp người nuôi tôm thuận lợi hơn trong sản xuất. Bởi có điện sản xuất sẽ giúp hộ nuôi tôm giảm khoảng 70% chi phí so với sử dụng máy nổ. Ông Diệp Thành Nhơn ở xã Trung Bình, huyện Trần Đề cho biết: “Bà con ở đây chủ yếu là chạy dầu, nều được hỗ trợ về điện và giá điện thì giảm chi phí khoảng 70%. Giá dầu đang tăng thì mỗi tháng tốn gần 100 lít như vậy quá khó khăn cho bà con”.
Tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng tự phát, tốc độ nuôi thâm canh, bán thâm canh tăng mạnh ngoài quy hoạch sẽ làm hệ thống lưới điện sinh hoạt bị quá tải. Ngành Nông Nghiệp khuyến cáo bà con không nên tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng khi chưa đáp ứng được các yêu cầu về điện sản xuất và hệ thống thủy lợi. Thạc sĩ Đặng Hiền Đức - Cán bộ Chi Cục Thú Y Sóc Trăng nói như sau: “Điện nuôi tôm là quan trọng vì tôm thẻ cần oxy rất lớn nên phải có điện mới thành công. Nếu chạy máy nỗ thì vừa bố trí nhiều máy, nhiều nhân công, không đảm bảo. Đây là điều kiện kiên quyết trong nuôi tôm thẻ.”
Đối với vùng nuôi tôm nước lợ trong tỉnh phải theo quy hoạch, ngành Điện lực không đầu tư lưới điện 3 pha ngoài vùng quy hoạch để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, hiệu quả đầu tư và ổn định diện tích tôm – lúa.. Ông Trần Thành Nghiệp - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Năm 2014, chúng ta đừng để tình trạng này xảy ra. Khi quy hoạch xong từng vùng thì các địa phương cần tuyên truyền cho người dân biết nên nào có quy hoạch thì nuôi, không quy hoạch không nên nuôi. Không thể đầu tư mỗi nơi mỗi ít theo một cách tự phát thì không hiệu quả”.
UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung nhiều biện pháp đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phát triển vùng nuôi tôm nước lợ từ vụ nuôi năm 2013 và những năm tiếp theo, trong đó có xem xét đầu tư hệ thống điện sản xuất ở những vùng nuôi tôm đã được quy hoạch. Do vậy, đối với vùng nuôi tôm thẻ tự phát sẽ không được đầu tư, bởi đây là những công trình có vốn đầu tư rất lớn, hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả sản xuất của bà con cũng được cân nhắc một cách thận trọng để đảm bảo tính bền vững.