Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã hoàn tất vòng đàm phán cách đây hơn 1 tháng, ngày 5/10/2015.
Với riêng Việt Nam, TPP được cho là sẽ có nhiều tác động tích cực lên đời sống kinh tế xã hội cả nước.
Sự phấn khởi của Việt Nam đối với TPP được nhiều người ví von, như khi đội tuyển bóng đá quê hương vô địch một giải đấu quốc tế vậy.
Cho đến lúc TPP được chính thức thông qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang khởi động để bắt đầu cho một sân chơi với những luật chơi hoàn toàn mới mẻ.
Ngành thủy sản là một trong những ngành sẽ chịu nhiều tác động trước thềm TPP.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) về những ảnh hưởng của hiệp định này lên tình hình kinh doanh của công ty.
- Thưa ông, 4/5 thị trường lớn nhất của Minh Phú đến từ các quốc gia thuộc TPP. Vậy khi hiệp định TPP có hiệu lực, Minh Phú sẽ có những lợi thế như thế nào về thuế quan?
Ông Lê Văn Quang: Tôi không biết các mặt hàng thủy hải sản khác có thuế như thế nào, nhưng đối với tôm, sản phẩm chính của Minh Phú, theo hiệp định song phương, thuế nhập khẩu vào các quốc gia như Mỹ, Canada, Australia đã về 0% từ lâu rồi.
Thuận lợi của Minh Phú khi gia nhập TPP không đến từ thuế - đúng hơn không đến từ thuế xuất khẩu.
Minh Phú cũng như các doanh nghiệp trong ngành hiện vẫn đang bị áp thuế chống bán phá giá. Tiếc thay, dòng thuế này không nằm trong khuôn khổ quy định của TPP.
4/5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Minh Phú là các nước TPP (Mỹ, Nhật Bản, Canada và Australia)
Không được hưởng những thuận lợi về thuế xuất khẩu, nhưng việc TPP được thông qua sẽ giúp các quốc gia khác được ưu đãi về thuế, như chính Minh Phú đã đạt được. Vậy áp lực cạnh tranh có tăng không thưa ông?
Nếu vì lý do này thì không nhiều. Chính vì đối thủ chính của Minh Phú trên thị trường quốc tế hiện nay là các doanh nghiệp lớn đến từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ.
Các quốc gia này không thuộc TPP, chính sách của các nước trong TPP đối với Thái Lan, Indonesia và Ấn Độ vì vậy không thay đổi đáng kể so với trước. Chúng tôi vẫn cạnh tranh với họ thôi.
Vậy, thuận lợi của Minh Phú đến từ đâu, thưa ông?
Từ hàng rào phi thuế quan, còn gọi là hàng rào kỹ thuật.
Minh Phú luôn muốn có một sân chơi thực sự công bằng. Hiện tại các hàng rào phi thuế quan có khi khiến giá vốn của Minh Phú bị đội lên tới 20% - cao hơn thuế rất nhiều lần.
Việc gia nhập TPP sẽ đòi hỏi các quốc gia phải chuẩn hóa hàng rào kỹ thuật. Có nghĩa là Mỹ, Nhật, Canada… sẽ không được áp dụng tùy tiện hàng rào kỹ thuật lên tôm Việt Nam.
Một số hàng rào kỹ thuật, thậm chí được các quốc gia này áp dụng riêng với Việt Nam, để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất trong nước họ.
Chúng tôi nhấn mạnh, việc cần thiết không phải là nới hay không nới các hàng rào kỹ thuật, mà là cần công bằng.
Ngoài ra, với Việt Nam, những quy định đối với doanh nghiệp sản xuất tôm cũng sẽ được chuẩn hóa – theo yêu cầu của TPP.
Để xuất khẩu, Minh Phú phải thực hiện toàn bộ các yêu cầu, chính sách của Việt Nam. Mà điều này nhiều khi rất vô lý.
Các nước nhập khẩu tôm từ Minh Phú họ không quan tâm đến sự vô lý đó, họ chỉ cần biết anh có tuân thủ pháp luật Việt Nam hay không mà thôi.
Tôi ví dụ, Việt Nam quy định lao động 1 tuần không làm thêm quá 7 giờ, 1 tháng không quá 30 giờ, 1 năm không quá 300 giờ.
Trong khi đó, Indonesia quy định đơn giản, 1 năm không quá 600 giờ. Trong thời gian cao điểm, 1 tuần làm thêm quá 30 giờ là bình thường, nhưng Việt Nam lại cấm.
Như thế là tôm Việt Nam đã bị chính chúng ta dựng rào cản mất rồi.
Một quy định vô lý khác nữa, là việc xếp ngành này vào ngành sản xuất độc hại, yêu cầu bồi dưỡng cho người lao động bằng hiện vật, là 1 hộp sữa và 1 kg đường.
Minh Phú buộc phải trả bằng hiện vật, mặc dù nói thật, công nhân họ không tha thiết gì, lãng phí vô cùng. Trả bằng tiền thì không được – như thế là không tuân thủ pháp luật.
Thuận lợi của Minh Phú khi Việt Nam chính thức tham gia TPP đến từ những thuận lợi về hàng rào kỹ thuật – từ việc chuẩn hóa các quy định, về tính minh bạch…
Xin chân thành cảm ơn ông.