Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi ếch Thái Lan đã thành phong trào và nở rộ trên địa bàn huyện Vị Thủy. Đây cũng là một trong những mô hình thu hút nhiều nông dân tham gia, vì là mô hình có nhiều ưu điểm và phù hợp với điều kiện của nhiều người dân địa phương. Nuôi ếch không đòi hỏi diện tích quá lớn, có thể nuôi trong vèo, bể lót bạt, bể xi măng, đồng thời về khâu kỹ thuật chăm sóc cũng khá đơn giản, đặc biệt là thời gian nuôi ếch ngắn và chi phí thấp hơn so với nhiều giống thủy sản khác.
Tuy nhiên, theo nông dân và các cơ sở sản xuất ếch Thái Lan giống, con ếch chỉ nuôi được từ tháng 4 đến tháng 9 là hết con giống vì những tháng khác là mùa lạnh nên ếch không sinh sản được. Trong khi những tháng có con ếch giống để nuôi thì giá ếch thương phẩm thường thấp do cũng là mùa thuận để nuôi các đối tượng thủy sản khác, trong khi lúc không có con ếch giống nuôi thì giá ếch thịt lại cao.
Hiểu được thực trạng này của nông dân và cơ sở sản xuất ếch giống. Trong năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện Vị Thủy đã tìm tòi nghiên cứu “Kỹ thuật kích thích ếch Thái Lan sinh sản nghịch mùa bằng phương pháp sốc nhiệt độ” thuộc Dự án Ứng dụng quy trình sản xuất ếch giống và nuôi ếch thương phẩm trong ao kết hợp nuôi cá. Đây được xem là cơn mưa giải khát cho mùa khô hạn, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của nông dân. Cách thực hiện cắt nước cho ếch bố mẹ và tạo sốc nhiệt độ được thực hiện như sau:
+ Đưa ếch bố mẹ đã chọn trước đó vào bao và may miệng bao lại (ếch đực và ếch cái đựng bao riêng). Khoét lỗ bao đủ không khí để ếch hô hấp (thực hiện vào buổi chiều mát hôm trước).
+ Đêm đó để bao đựng ếch bố nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mưa và tiếng ồn.
+ Sáng hôm sau đem bao đựng ếch bố mẹ ra nơi có ánh nắng mặt trời từ 1 – 2 tiếng đồng hồ và đem vào để trở lại nơi có bóng râm, khô ráo, thoáng mát, tránh mưa, nắng rát và tiếng ồn.
+ Chiều mát bố trí ếch bố mẹ vào bể đẻ đã chuẩn bị trước đó, tỉ lệ đực/cái là 1:1. Lưu ý, nước cho vào bể đẻ phải nước sạch, ngập khoảng ½ thân ếch, nước cho vào bể nên cho vào buổi chiều trước khi bố trí ếch bố mẹ, nước cho vào ban ngày sẽ nóng, ếch không giao phối, có thể dùng nước ngầm hay nước kênh rạch, nước có độ pH phù hợp từ 7 – 8, độ kiềm 100 – 150 mg, đến khoảng 20 giờ tối hôm đó tạo phun mưa khoảng 10 phút cho bể đẻ.
+ Sáng ngày tiếp theo quan sát ếch đẻ xong thì thu trứng và ấp trứng bình thường.
Tùy vào nhu cầu con giống mà bố trí bao nhiêu cặp ếch bố mẹ để đủ lượng ếch giống. Dự án đã thực hiện tại 03 điểm/ 03 hộ tham gia và 20 cặp ếch bố mẹ/ 01 hộ tại xã Vĩnh Thuận Tây (02 hộ) và Vĩnh Tường (01 hộ).
Kiểm tra ếch bố mẹ.
Kết quả đạt được như sau:
+ Số lượng ếch bố mẹ tham gia sinh sản trung bình 12/20 cặp/ hộ, đạt 60%.
+ Sức sinh sản trung bình 1.000 trứng/ếch cái.
+ Tỉ lệ nở của trứng trên 90%.
+ Tỉ lệ sống ương nòng nọc đến thành con giống 60%.
+ Ếch giống thu được trung bình 6.500 con/ hộ/ lần sinh sản.
Ông Tống Bữu Sơn - Phó Trưởng Trạm Khuyến nông cho biết “Đây là cách làm mới, khá đơn giản và dễ thực hiện. Ếch bố mẹ có thể tham gia sinh sản quanh năm mà không phân biệt mùa thuận hay mùa nghịch và không sử dụng biện pháp hóa học nào. Từ đó nguồn con giống cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng và thường xuyên hơn đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.