Cá Tra (Pangasius hypophthalmus) là loài cá nuôi truyền thống trong ao đất của nông dân các tỉnh vùng ĐBSCL. Cá có khả năng sống tốt trong điều kiện ao tù nước đọng, nhiều hàm lượng chất hữu cơ, oxy hòa tan thấp. Cá tra là loài ăn tạp có thể sử dụng được các loại thức ăn khác nhau như cá tạp, cua ốc, thức ăn viên, cám, tấm, rau muống... Thức ăn có nguồn gốc động vật có hàm lượng đạm cao sẽ giúp cá lớn nhanh nên được nhiều người ưa chuộng. Những năm gần đây, nghề nuôi cá tra đã và đang có những đóng góp to lớn vào tỷ trọng xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.
Tuy nhiên, sự tăng nhanh về diện tích nuôi và mức độ thâm canh hóa cá tra ngày càng cao là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh truyền nhiễm thường xuyên xảy ra và gây thiệt hại kinh tế đáng kể cho nghề nuôi cá tra công nghiệp ở ĐBSCL. Những bệnh phổ biến xảy ra trên cá tra như: xuất huyết, phù mắt, trắng gan, trắng mang,… Việc sử dụng thuốc kháng sinh để kiểm soát mầm bệnh, nhất là đối với các mô hình nuôi thâm canh mật độ cao là rất phổ biến. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều loại thuốc kháng sinh trong phòng và trị bệnh trên thủy sản làm xuất hiện hiện tượng kháng thuốc kháng sinh ở các loài vi khuẩn trong thực tế là không thể tránh khỏi.
Hiện nay, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm, rất nhiều nhà khoa học đã quan tâm và tìm ra các giải pháp tích cực nhằm tăng cường sức đề kháng của vật nuôi. Sử dụng chất kích thích miễn dịch là một trong những giải pháp được nhiều người hướng đến bởi nhiều lợi ích mang lại của giải pháp này. Chitosan là một chất có hoạt tính kháng ký sinh trùng, kháng khuẩn, có khả năng kích thích miễn dịch và tự phân hủy sinh học cao, không gây dị ứng, không gây độc hại cho người và vật nuôi và thường được sử dụng như nguồn dược liệu quý trong nuôi thủy sản (Polk et al., 1994).
Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá tác động chitosan lên đáp ứng miễn dịch ở cá tra cũng như khả năng phòng vệ của cá tra đối với tác nhân vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ.
Nghiên cứu ứng dụng chitosan lên miễn dịch cá tra
Thí nghiệm bao gồm bốn nghiệm thức bố trí 60 cá trong bể 250 L
- NT1: đối chứng – 0 g chitosan/kg thức ăn
- NT2: 1 g chitosan/kg thức ăn
- NT3: 5 g chitosan/kg thức ăn
- NT4: 10 g chitosan/kg thức ăn
Cá được cho ăn 2 lần/ngày với khẩu phần 5% trọng lượng thân trong vòng 4 tuần và sau đó cảm nhiễm với vi khuẩn E. ictaluri.
Kết quả
Cá tra được ăn thức ăn có bổ sung chitosan trong 4 tuần cho thấy có sự kích thích đáp ứng miễn dịch thông qua việc gia tăng một số chỉ tiêu tế bào huyết học như mật độ tổng bạch cầu, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính, … và hoạt tính lysozyme trong huyết thanh của cá. Hoạt tính lysozyme của cá ở các nghiệm thức được bổ sung chitosan tăng cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức đối chứng ở các lần thu mẫu. Sau khi cảm nhiễm với E. ictaluri, tỉ lệ chết của cá ở các nghiệm thức có bổ sung chitosan thấp hơn so với nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức bổ sung 1 g chitosan/kg thức ăn có tỉ lệ chết thấp nhất (40%).
Như vậy, từ kết quả thí nghiệm cho phép kết luận bổ sung chitosan vào thức ăn sẽ kích thích đáp ứng miễn dịch của cá, đồng thời có thể phòng vệ cho cá tra chống lại tác nhân gây bệnh gan thận mủ. Nên bổ sung chitosan vào thức ăn cá ở liều 1% sẽ mang lại hiệu quả kích thích miễn dịch và phòng bệnh gan thận mủ cao nhất.
Theo Bùi Thị Bích Hằng và Nguyễn Hoàng Vũ.