Năm 2017, diện tích mặt nước thả nuôi cá tra đạt 5.230 ha, tăng 3,5% so với năm 2016; sản lượng đạt 1.250 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2017 đạt 1,78 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2016, đóng góp 21,45% vào giá trị xuất khẩu của ngành Thủy sản.
Năm 2018, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tổng cục Thủy sản xây dựng kế hoạch trong năm 2018, với chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản dự kiến đạt 10 tỉ USD, tăng 17,9% so với 2017. Theo đó, để đạt được mục tiêu chung của cả ngành thủy sản đặt ra, Tổng cục Thủy sản đã đặt ra mục tiêu sản xuất cá tra phấn đấu đạt sản lượng trên 1,3 triệu tấn, sản xuất giống đạt khoảng 2,2 tỷ cá giống, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay đạt khoảng 2,0 - 2,2 tỷ USD chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản.
Thời gian gần đây, giá cá tra giống ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục tăng, giúp những người nuôi cá đạt lợi nhuận cao. Điều cũng chính là lý do khiến không ít nông dân đẩy mạnh đào ao nuôi kiếm lời, bất chấp những rủi ro đang chực chờ. Được biết, nguyên nhân chính của đợt tăng giá lần này là do nhu cầu xuất khẩu tăng trong khi nguồn nguyên liệu khan hiếm. Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long 3 tháng năm 2018 ước đạt 230,2 ngàn tấn, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: An Giang sản lượng đạt 73,3 nghìn tấn, tăng 3%; Đồng Tháp sản lượng đạt 78,4 nghìn tấn, tăng 7% so với cùng kỳ; Vĩnh Long sản lượng đạt 13,2 nghìn tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
Giá cá tra tăng cao đang kéo theo hiện tượng người dân ĐBSCL ồ ạt đào ao thả nuôi ngoài quy hoạch. Điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy phát triển không bền vững, nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường, việc phát triển ồ ạt nuôi có thể dẫn đến cung vượt cầu cũng như những biến động từ thị trường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá cá tra nguyên liệu trong nước. Hệ lụy kéo theo là cung vượt cầu, giá cá tra xuống thấp, nhiều hộ nuôi bị lỗ nặng, lâm vào cảnh nợ nần.
Để kịp thời chỉ đạo, quản lý nuôi cá tra phát triển một cách bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Hậu Giang và TP. Cần Thơ tăng cường chỉ đạo, quản lý trong sản xuất cá tra.
Theo đó, để quản lý tốt hoạt động sản xuất và kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành hàng cá tra trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Bộ yêu cầu các tỉnh, thành phố nêu trên có giải pháp ngăn chặn các hộ đang có ý định chuyển đổi từ đất lúa sang ương cá tra giống; tổ chức tuyên truyền vận động, kiên quyết không cho chuyển đổi và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các cơ sở đã đào ao tại vùng đất nằm ngoài quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản, cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn việc tự ý chuyển đổi đất từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương kiểm tra tổng thể việc chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Luật Đất đai, Nghị định 35/2015 của Chính phủ, việc thực hiện các quy định về quản lý giống thủy sản, quản lý vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân không chuyển đổi ồ ạt từ đất trồng lúa sang ương, nuôi cá tra; việc chuyển đổi phải đúng quy định của pháp luật trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu thị trường và gắn với chuỗi liên kết sản xuất; đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với sự gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên.