Kiên Giang: Gỡ khó cho chủ tàu “lỡ” đóng tàu cá nghề lưới kéo

Ngày 18/11/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 9443/BNN-TCTS về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, chỉ đạo tạm dừng đóng mới tàu cá làm nghề lưới kéo và cải hoán đối với các tàu từ nghề khác sang làm nghề lưới kéo; không cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với các tàu từ các nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015. Công văn này ra đời làm cho nhiều chủ tàu ở tỉnh Kiên Giang “lỡ” đóng tàu cá nghề lưới kéo “đứng ngồi không yên”, lo lắng vì con tàu khi hoàn thành không được ra khơi đánh bắt.

tàu lưới kéo
Một tàu lưới kéo đóng mới gần xong.

Chủ tàu cá Trương Văn Cường ở ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) những ngày qua “ăn ngủ không yên” bởi nguy cơ 2 chiếc tàu cá làm nghề lưới kéo của mình khi đóng xong sẽ nằm bất động trên ụ mà không được ra biển. Ông Cường cho biết, đầu tư hơn 10 tỷ đồng đóng mới một cặp tàu cá lưới kéo (cào đôi), dự kiến hoàn thành và hạ thủy vào đầu tháng 4/2016. Khi đến Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản cho cặp tàu này nhưng không được thì mới biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra văn bản tạm ngưng cấp phép đóng mới tàu lưới kéo từ ngày 16/11/2015.

Tiếp đến, bà Đỗ Thị Tuyết Hà, chủ doanh nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu cá Hà Xuân, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá nói: Tôi đang đóng mới 4 chiếc tàu lưới kéo trị giá 28 tỷ đồng đã thực hiện hơn 45% khối lượng thì không xin được giấy phép. Vốn tự có của gia đình, vay ngân hàng đầu tư vào đây nhưng sắp tới hoàn thành xong 2 cặp tàu mà không được ra khơi đánh bắt thì chẳng biết lấy tiền đâu trả ngân hàng cả vốn và lãi. Trở ngại này chưa biết phải tính sao nữa, đang trông chờ Nhà nước có cách gì giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn.

Tại doanh nghiệp Hoàng Minh, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá cũng trong tình trạng “dở khóc, dở cười”. Ông Trần Hoàng Minh, chủ doanh nghiệp này nói: Đầu tư 14 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng 50% đóng mới một cặp tàu cào đôi đang vào giai đoạn sắp hoàn thành, hạ thủy đưa vào khai thác đánh bắt thì bị vướng bởi văn bản của Bộ Nông nghiệp nên không được cấp phép.

Không riêng gì bà Tuyết Hà, ông Cường và ông Hoàng Minh, tại tỉnh Kiên Giang còn nhiều những chủ tàu đã “lỡ” đóng tàu cá nghề lưới kéo trong tình trạng tương tự và hết sức lo lắng. Các chủ tàu đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang can thiệp, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho họ bởi Công văn số 9443/BNN-TCTS của Bộ này.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 9443/BNN-TCTS, trong đó có chỉ đạo tạm ngưng việc cấp phép cho hoạt động đóng mới đối với loại tàu lưới kéo kể từ ngày 16/11/2015 và thực tế triển khai thực hiện ở địa phương thì phát sinh những khó khăn. Hiện tại, nhiều ngư dân trong tỉnh đã làm tờ khai đóng mới tàu cá và đã được UBND các xã, phường xác nhận, mua đầy đủ vật liệu và hợp đồng với cơ sở đóng tàu để chuẩn bị khởi công đóng mới tàu cá lưới kéo. Ngư dân liên hệ với cơ quan thiết kế tiến hành hồ sơ thiết kế ban đầu trước khi xin văn bản chấp thuận đóng mới tàu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang và hồ sơ thiết kế kỹ thuật được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tại Hà Nội phê duyệt. Số lượng tàu đóng mới của tỉnh thực hiện theo Quyết định số 3602/QĐ-BNN-TCTS, ngày 19/8/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn số lượng tàu khai thác và tàu dịch vụ khai thác xa bờ đóng mới tăng thêm đang triển khai đã được UBND xã, phường xác nhận hồ sơ thiết kế kỹ thuật trước ngày 18/11/2015 và trình Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phê duyệt trước ngày 18/11/2015. Vì vậy, khi Công văn số 9443/BNN-TCTS của Bộ ban hành thì những tàu lưới kéo đang thi công đóng mới đó không được cấp phép hoạt động. Chủ quan với cách làm quen thuộc từ trước đến nay của các chủ tàu là khi được UBND xã, phường xác nhận hồ sơ thiết kế kỹ thuật, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phê duyệt thiết kế kỹ thuật con tàu là họ tiến hành khởi công đóng tàu, sau đó mới xin cấp giấy phép hoạt động.

con tàu dở dang
Một cơ sở đóng tàu với nhiều con tàu lưới kéo đang đóng dở dang.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho ngư dân đang đóng tàu lưới kéo, UBND tỉnh Kiên Giang đã có Công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất cho tỉnh được giải quyết cho phép đóng mới đối với các chủ tàu có hồ sơ tờ khai đóng mới tàu cá đăng ký nghề lưới kéo đã được xác nhận và thiết kế kỹ thuật con tàu đã được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phê duyệt đến ngày 18/11/2015. Kiến nghị này nhằm tạo điều kiện cho ngư dân không phải thiệt hại về kinh tế do đã mua sắm vật tư và hợp đồng với cơ sở đóng tàu cá mà nay không được thực hiện, giúp họ hoàn thành con tàu đang đóng nửa chừng ra khơi đánh bắt, thu hồi vốn, trả nợ vay ngân hàng. Đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận hồ sơ 82 tàu lưới kéo của 45 chủ tàu xin giải quyết theo kiến nghị của tỉnh - ông Tâm cho hay.

Tìm hiểu Công văn số 9443/BNN-TCTS, ngày 18/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết: Tại hội nghị “Tổng kết khai thác cá vụ Nam năm 2015 và kế hoạch triển khai khai thác cá vụ Bắc năm 2015 - 2016” tổ chức tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình vào đầu tháng 10/2015 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám đã chỉ đạo các địa phương có biển kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới tàu cá có công suất lớn hơn 90 CV phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản cả nước. Không cấp phép đóng mới đối với tàu cá làm nghề lưới kéo và không cấp phép đối với các tàu đang hoạt động nghề khác chuyển sang làm nghề lưới kéo. Mặt khác, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó định hướng phát triển số lượng tàu khai thác xa bờ đến năm 2020 khoảng 30.000 chiếc trên cả nước và quy hoạch sản lượng khai thác cụ thể đối với từng vùng biển, khuyến khích nghề khai thác hải sản thân thiện với môi trường, nguồn lợi như: lưới vây, lưới rê, nghề câu, nghề chụp và dịch vụ hậu cần nghề cá; giảm các nghề khai thác xâm hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản trên ngư trường vốn đang bị suy kiệt, trong đó có nghề lưới kéo. Tuy nhiên, công tác quản lý đóng mới tàu cá, quản lý nghề khai thác hải sản ở nhiều tỉnh, thành có biển còn nhiều bất cập. Đến cuối tháng 9/2015, cả nước có số tàu công suất trên 90 CV hơn 31.000 tàu, trong đó hơn 12.500 tàu làm nghề lưới kéo. Riêng tại Kiên Giang, trong số đoàn tàu cá của tỉnh hơn 10.275 chiếc đang hoạt động khai thác trên ngư trường thì tàu làm nghề lưới kéo chiếm tỷ lệ hơn 31%. Từ những cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 9443/BNN-TCTS nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chỉ đạo các tỉnh, thành ven biển tích cực triển khai quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản một cách thiết thực, phù hợp với các chính sách mới được ban hành, đảm bảo phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững nguồn lợi và môi trường sinh thái biển.

Việc tạm ngưng đóng mới tàu cá nghề lưới kéo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ nhằm phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xem xét kiến nghị của tỉnh Kiên Giang, giải quyết hợp tình, hợp lý nguyện vọng chính đáng của những ngư dân đã “lỡ” đóng tàu lưới kéo, giúp họ đưa các con tàu ra khơi./.

Kiên Giang, 17/12/2015
Đăng ngày 18/12/2015
Lê Huy Hải
Đánh bắt

Gỡ khó trong cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản

Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" IUU từ Ủy ban Châu Âu (EC), trong đó việc cấp giấy xác nhận (SC) và chứng nhận (CC) nguyên liệu thủy sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong triển khai đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Thu hoạch cá
• 10:47 17/12/2024

Bình Định sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Ngày 10/12/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 84/2024/QĐ-UBND về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ

Tàu cá
• 10:17 16/12/2024

Tiếp tục tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá Bình Định

Trong thời gian qua một số tàu cá Bình Định (có chiều dài từ 12 mét đến dưới 15 mét thường xuyên làm nghề câu mực ở vùng biển phía Nam) có dấu hiệu, nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, nhất là vào thời gian cuối năm đến khoảng giữa năm sau, là mùa khai thác thuỷ sản chính (tàu cá Bình Định bị nước ngoài bắt giữ thường xảy ra trong khoảng thời gian này).

Tàu cá
• 10:15 11/12/2024

Nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản

Để nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản, cần áp dụng các giải pháp đồng bộ từ việc áp dụng công nghệ tiên tiến đến việc cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường.

Thu hoạch thủy sản
• 10:17 25/11/2024

Tình hình sản xuất tôm của các tỉnh miền Tây vào cận dịp tết

Với sự phục hồi của giá tôm nguyên liệu trong những tháng cuối năm 2024, ngành nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đang chuẩn bị một mùa Tết đầy hy vọng.

Tôm thẻ
• 19:10 26/12/2024

Chẩn đoán đúng bệnh, điều trị đúng thuốc: Kháng sinh đồ cho tôm cá

Sự gia tăng các vấn đề dịch bệnh đã khiến nhiều hộ nuôi đối mặt với những tác động nặng nề. Bạn đã bao giờ tự hỏi liệu mình có đang sử dụng kháng sinh một cách hiệu quả hay không? Làm thế nào để đảm bảo rằng các loại thuốc mà bạn đang dùng thực sự phù hợp với tác nhân gây bệnh? Câu trả lời chính là kháng sinh đồ. Nhưng liệu bạn đã hiểu đúng cách đọc và áp dụng kháng sinh đồ để tối ưu hóa quy trình điều trị chưa?

Đĩa khuẩn
• 19:10 26/12/2024

Tiềm năng của cá cảnh trong thị trường xuất khẩu

Ngành nuôi trồng thủy sản không chỉ tập trung vào tôm, cá nuôi thương phẩm mà còn bao gồm cả ngành cá cảnh, một lĩnh vực đang ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Với sự phát triển của công nghệ nuôi trồng và nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường lớn, cá cảnh đã trở thành một sản phẩm xuất khẩu đầy tiềm năng.

Cá cảnh
• 19:10 26/12/2024

Câu chuyện thành công trong nuôi tôm

Những ngày gần đây, bà con nông dân nuôi tôm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang thu được những thành công lớn từ mô hình nuôi tôm kết hợp với trồng lúa, đặc biệt là khi giá tôm đạt mức kỷ lục. Những câu chuyện thành công từ các mô hình nuôi tôm, đặc biệt là ở Kiên Giang và Cà Mau, đang được chia sẻ rộng rãi và tạo động lực lớn cho người dân trong khu vực và trên cả nước.

Tôm thẻ chân trắng
• 19:10 26/12/2024

Phân tích tác động kinh tế và môi trường của việc loại bỏ kháng sinh

Kháng sinh đã được sử dụng phổ biến để phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, từ đó nâng cao năng suất và giảm rủi ro dịch bệnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm nguy cơ kháng kháng sinh, ô nhiễm môi trường, và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tôm thẻ
• 19:10 26/12/2024
Some text some message..