Tính đến thời điểm này, toàn huyện An Minh đã có trên 1500ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong số diện tích tôm chết có 50ha bị các bệnh gan tụy cấp, đốm trắng còn lại trên 90% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do là do yếu tố môi trường.
Xã Đông Thạnh, huyện An Minh là một trong những địa phương có diện tích tôm chết nhiều nhất. Năm 2019 toàn xã Đông Thạnh thả nuôi tôm trong vùng tôm lúa được 4800 ha đến nay đã phát hiện được 144 ha của 116 hộ bị thiệt hại trong đó nhiều hộ tôm thiệt hại hoàn toàn không thu hoạch được, nên gặp nhiều khó khăn trong tái đầu tư thải nuôi lại.
Theo một số nông dân nuôi tôm lâu năm có kinh nghiệm cho biết, thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân chính làm tôm chết hàng loạt.
Ông Lương Đông Xuân, ngụ ấp Thạnh Hòa xã Đông Thạnh có trên 5ha nuôi tôm Quảng Canh có cải tiến, mặc dù có thả tôm giống đảm bảo chất lượng được kểm dịch mầm bệnh nhưng tôm vẫn bị chết, hiện ông đang cải tạo vuông ao để chuẩn bị thả lại vụ mới.
Ông Lê Văn Khanh trưởng phòng NN&PTNT Huyện An Minh cho biết: “Trong thời gian tới, tình hình thời tiết sẽ còn diễn biến bất lợi cho quá trình phát triển của tôm nuôi, do đó đề nghị bà con cần thường xuyên thăm đồng, giữ mực nước trong ao nuôi mức cao, hạn chế thiệt hại do nắng nóng.”
Để hỗ trợ bà con nông dân phòng tránh cũng như khắc phục hậu quả tái đầu tư sản xuất, ngành nông nghiệp đã kịp thời cung cấp miễn phí hóa chất để vệ sinh ao nuôi tiêu diệt mầm bệnh, đồng thời phân công cán bộ bám sát cơ sở để tư vấn, hỗ trợ bà con chăm sóc diện tích tôm chưa bị dịch bệnh, nhất là diện tích tôm sắp đến thu hoạch để đảm bảo sản lượng theo kế hoạch.