Tại Hội thảo “Các giải pháp hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ NN-PTNT, tỉnh ủy Phú Yên, báo SGGP tổ chức tại Phú Yên, các đại biểu đều cho rằng, cần có cơ chế mang tính đặc thù, tạo cú hích đột phá để hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển theo hướng hiệu quả và bền vững.
Có tam nông, bao giờ có tam ngư?
Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng khai thác thủy sản năm 2012 đạt 2,63 triệu tấn trong tổng sản lượng 5,75 triệu tấn. Tính đến tháng 10 năm 2013, cả nước có khoảng 117.000 tàu. Nghề cá đóng vai trò quan trọng về an ninh lương thực, thực phẩm; tạo việc làm cho trên 4 triệu lao động và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho rằng, các chính sách hiện nay còn thiếu tính đồng bộ trong việc hỗ trợ phát triển nghề cá. Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng đánh giá, những cơ chế hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển thời gian qua còn chưa đủ mạnh, cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh.
“Nói về kinh tế biển, lo lắng lớn nhất là tính ổn định và bền vững, an toàn. Sửa đổi cơ chế chính sách nên bám sát vấn đề này. Bên cạnh đó là các vấn đề khác như quy hoạch, sắp xếp lại ngư trường... và đặc biệt là xác định quy mô phát triển thế nào cho thích hợp? Nếu để ngư dân “tự bơi” như hiện nay thì hiệu quả thấp, thiếu ổn định và bền vững”.
Trong khi đó, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhận xét, thời gian qua chúng ta mới chủ yếu nói về hỗ trợ cho tam nông, còn ngư nghiệp, ngư dân và ngư trường thì ít nhắc tới. “Có câu hát rằng ‘Tình ta biển bạc đồng xanh’ - đồng xanh thì rõ rồi, nhưng còn biển bạc chưa rõ lắm. Nhưng nếu dừng lại phát triển nhiều ngư trường nhỏ thế này, không tổ chức lại theo hướng hiệu quả hơn thì ngư dân không thể cạnh tranh nổi” - ông Ngọ trăn trở.
Cần xây dựng trung tâm thủy sản quốc gia
TS Trần Du Lịch kiến nghị thời gian tới cần chú trọng tăng chất lượng và giá trị kinh tế biển, nhất là xuất khẩu, không nên quá chú trọng tăng số lượng. Theo chuyên gia này, nên chọn trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu hiện nay một số sản phẩm chiến lược chứ không làm tràn lan. “Ở miền Trung thì không gì bằng cá ngừ đại dương. Hiện nay ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp truyền thống thì không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản. Vậy phải tính đầu tư như thế nào để đáp ứng vấn đề này?” - ông Lịch đặt vấn đề.
Đáng chú ý, TS Trần Du Lịch cho rằng cần sớm xây dựng trung tâm hải sản quốc gia. Tại trung tâm này sẽ đầu tư xây dựng cảng cá, có nơi neo đậu tàu thuyền, cơ sở hậu cần nghề cá tốt, có các nhà máy chế biến. Bên cạnh đó là trung tâm thương mại, nơi giao dịch các hợp đồng mua bán thủy sản. Đồng thời, có trung tâm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, dịch vụ ngân hàng... Có thể bước đầu xây dựng trung tâm hải sản khu vực sau đó nâng tầm lên thành trung tâm quốc gia.
“Chúng ta có thể vay vốn ODA để đầu tư, ít nhất khoảng 100 triệu USD. Bộ NN-PTNT nên chủ trì, bàn với các hội nghề nghiệp để xây dựng đề án này” - ông Lịch nói.
Chế biến thủy sản tại Phú Yên
Đồng tình cao với kiến nghị trên, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT chia sẻ: “Chọn sản phẩm chiến lược để tập trung đầu tư phát triển cũng là rất đúng. Bộ NN-PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản triển khai nghiên cứu về trữ lượng, chất lượng 3 nhóm nguồn lợi thủy sản chính của nước ta. Trong đó, nhóm cá lớn (có cá ngừ đại dương) trữ lượng còn rất lớn. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành thí điểm đề án khai thác cá ngừ theo chuỗi giá trị. Vào tháng 3/2014 sẽ có diễn đàn bàn về khai thác cá ngừ cũng tổ chức tại Phú Yên”.
Về kiến nghị xây dựng trung tâm thủy sản quốc gia, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, trong chiến lược phát triển ngành thủy sản, quy hoạch đến 2020-2030 sẽ có 5 trung tâm nghề cá lớn gắn với 5 ngư trường trọng điểm, tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cần Thơ.
Ngoài ra, theo ông Lê Huy Ngọ, cần có những trung tâm, những khu công nghiệp về nghề cá... “Phải làm đồng bộ như thế mới vượt qua tầm của những chiếc thuyền nhỏ” - ông Ngọ nói.
Ông kể: “Sang Tokyo, tôi ngạc nhiên khi giữa thành phố hiện đại đó có một trung tâm thương mại, công nghệ về nghề cá. Chúng ta phải đầu tư để có các trung tâm nghề cá trung ương, có trung tâm nghề cá địa phương. Phải coi đây là phát triển công nghiệp nghề cá chứ không giữ tư duy nhỏ lẻ”. Chủ trương của Trung ương sắp tới là tập trung hỗ trợ đánh bắt xa bờ. Theo ông Ngọ, vấn đề này phải có tổ chức hẳn hoi, có đội tàu, có hỗ trợ hậu cần, thông tin tốt, chứ không thể giao cho hộ gia đình ngư dân làm được. Mặt khác, nên tăng đầu tư và tổ chức theo hình thức sản xuất tổ hợp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cũng nhấn mạnh, phát triển nghề cá vươn ra khơi đang là một xu thế của cả thế giới. “Hỗ trợ kinh phí đầu tư là một vấn đề, nhưng tổ chức lại phương thức đánh bắt, khai thác cũng rất quan trọng. Để đột phá thì phải chuẩn bị đồng bộ hơn, tổ chức ra khơi hiệu quả hơn thì đầu tư mới hiệu quả. Nếu tổ chức không tốt, cứ ném tiền vào sẽ lại ném xuống biển” - ông Hồi nói.
Về kiến nghị xây dựng chương trình “nông thôn mới” cho ngư dân, ông Giàu nhận định đây là vấn đề mới, trong đó cần tính tới đặc thù của ngư dân và nghề cá. Bên cạnh đó, một quan điểm mới là “tam ngư” (ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường) cũng được ông Giàu lưu ý cần nghiên cứu để có sự thống nhất trong thời gian tới.