Sông Vàm Nao chảy qua địa phận các xã Kiến An, Mỹ Hội Đông (H.Chợ Mới), xã Tân Trung (H.Phú Tân), xã Bình Thủy (H.Châu Phú, An Giang) có chiều dài trên 7 km, độ sâu trên 17 m. Sông Vàm Nao là con sông nổi tiếng với nhiều cái “nhất”, như: là con sông duy nhất nối sông Tiền và sông Hậu, ngắn nhất trong hệ thống sông ngòi Việt Nam, có nhiều cá khổng lồ có tên trong Sách đỏ Việt Nam nhất; có nhiều cá dữ, cá lạ nhất…
“Nước chảy đứt đuôi xà”
Nhắc tới tên sông, lão ngư Ba Trường (63 tuổi, ngụ ấp Vàm Nao, xã Tân Trung, H.Phú Tân) đôi mắt xa xôi hồi tưởng: “Ông bà tôi kể, gọi tên sông là Vàm Nao vì khi mùa lũ qua, ngã ba sông này nhìn nước chảy như thác cuộn, ghe tàu nào cũng khiếp, sợ bị lật nên nao lòng, thối chí, thế nên mới có câu “Đố ai ve được con đò Vàm Nao”. Về sau, triều Nguyễn thấy tên gọi nghe sầu não đã đổi tên sông là Thuận Giang cho dân yên lòng, nhưng dù gọi thế nào tên con sông ví như cửa tử thần vẫn không thay được”.
Ngồi nhớ lại chuyện xưa, ông Ba Trường lạnh toát mồ hôi. Những năm lũ lớn, ghe tàu qua ngã ba sông Vàm Nao hay bị sóng lưỡi búa đánh chìm, cứ cách vài ngày lại nghe văng vẳng tiếng khóc, kêu cứu... Những thợ lặn gan lì nhất cũng sợ đánh đổi mạng nên không dám lặn mò xác tàu, xác ghe nằm vất đáy sông, còn dân bản địa dù thuộc làu nhưng qua lại cũng dè chừng.
Ba Trường giải thích, các thương hồ ngán Vàm Nao nhưng muốn xuôi ngược tứ xứ hay lên Nam Vang (Campuchia) thì không còn đường nào khác, buộc phải qua đây. Bất thần Ba Trường rùng mình ngâm nga: “Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi, Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà” và giải thích đây là bài thơ của ông Bùi Hữu Nghĩa lúc bị đày lên Châu Đốc, ngang qua Vàm Nao thấy sóng to gió dữ đã hoài cảm than.
Theo ghi chép của cụ Vương Hồng Sển, Vàm Nao tên chữ Hồi Oa do thế nước chảy như cắt, sóng to xoay tròn khu ốc rất dễ đắm thuyền. Còn theo quyển sưu khảo Tân Châu xưa của Nguyễn Văn Kiềm và Huỳnh Minh biên soạn thì Vàm Nao còn gọi là xoáy Hồi Oa vì nước chảy cuộn xoáy dữ tợn, đến nỗi rắn bơi qua bị xoáy nước cuốn vào vặn đứt đuôi. Nơi đây có loài cá dữ rình rập người bơi qua sông, ghe thuyền bị lật để ăn thịt người.
Sấu thần
Dòng chảy dữ dội, đáy sông sâu với nhiều hang hốc nên Vàm Nao đã kéo theo các loài cá đặc thù nặng hàng trăm ký trên sông Mê Kông về trú ẩn, như cá hô, cá tra dầu, cá vồ cờ, cá nược, cá đuối. Ngoài ra còn có các loài cá đặc dị như cá đao, cá mập, cá sấu... Ông Ba Trường kể cá tôm ở Vàm Nao nhiều lắm, có các loài cá lạ, cá đẹp nuôi kiểng được như cá hồng vện với màu sắc sặc sỡ, cá ngựa - nhỏ như cá linh nhưng vì nhảy loi choi nên gọi là cá ngựa; các loài cá tra nghệ, cá sửu, cá bông lau… Nhưng theo ông Ba Trường, dòng Vàm Nao luôn bí hiểm do người đời còn tin rằng “ổng” còn nằm ẩn mình dưới đáy Vàm Nao.
Ba Trường kính cẩn giải nghĩa: “Ổng là Năm Chèo - tức ông sấu thần năm chân trong truyền thuyết. Hồi tóc để chỏm, chú nghe các cụ lão kể ổng nằm tu sám hối dưới ngã ba Vàm Nao, nơi mà ghe thuyền nào cũng phải ngang qua. Ổng nằm ẩn mình, lâu lâu trồi lên há miệng rất to đón lõng ghe tàu, gặp người hiền thì ông độ, gặp người dữ thì trừ”. Theo ông Trường, dù chuyện Năm Chèo là chuyện xưa, ngư dân, thương hồ qua lại Vàm Nao không xa lạ gì nhưng họ vẫn luôn rờn rợn không dám gọi tên tục cá sấu mà gọi bằng ông Năm Chèo.
Có rất nhiều câu chuyện về Năm Chèo ở miệt sông nước, như sau các trận đất lở, thợ lặn được thuê tới Vàm Nao lặn mò đồ nhưng sau đó hớt hải trồi lên bỏ ngang. Hỏi thì họ trả lời thấy một khối đen dài nằm dưới đáy có hai con mắt to bằng cái chén sáng quắc nhìn họ trừng trừng… Những câu chuyện như vậy càng khiến người đời tin do “ổng” nằm lâu quá nên mỏi bèn cựa mình, hắt hơi hay quẫy đuôi gây sạt lở! Cũng có người cho rằng dòng Vàm Nao chảy xiết do hơi thở Năm Chèo tạo ra, ngã ba Vàm Nao dữ tợn bởi nằm ngay cửa họng ông Năm Chèo. Cũng có người cho rằng nhìn bản đồ sông Vàm Nao có hình thù như cá sấu. Cũng có chuyện kể rằng có nhóm thợ săn sấu từ miệt U Minh ỷ tài lên Vàm Nao bắt Năm Chèo lấy tiếng nhưng rốt cuộc kẻ mất mạng, người chạy trối chết...