Kỳ lân biển, cá heo và cá voi - được gọi chung là bộ cá voi - dựa vào âm thanh phát ra trong hầu hết các hoạt động của chúng, bao gồm cả săn bắt và giao tiếp. Đặc biệt, kỳ lân biển hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng định vị bằng tiếng vang để săn tìm thức ăn - cá, mực và tôm. Chúng sử dụng một chuỗi các âm thanh "tạch tạch" để xác định vị trí của con mồi, càng đến gần con mồi, tiếng "tạch" càng mau hơn. Khi kỳ lân biển tiếp cận gần sát con mồi, tiếng "tạch tạch" mau đến mức nghe như tiếng điện thoại rung.
Các nghiên cứu trước đây cho rằng, trong số bảy loài động vật biển có vú lớn ở Bắc Cực, bao gồm gấu Bắc Cực và cá voi beluga, kỳ lân biển có thể là loài dễ bị tổn thương do hoạt động của tàu thuyền. Nhưng kết luận đó dựa trên một số dữ liệu nhỏ về các vụ va chạm giữa động vật với tàu, và dựa trên quan sát cách các hải trình cản trở quá trình giao phối, di cư và kiếm ăn của các loài khác nhau. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa kiểm tra cách kỳ lân biển phản ứng với tiếng ồn - hoặc các hoạt động khác của con người - trong thế giới thực.
Vì vậy, một nhóm nghiên cứu do nhà sinh thái học Outi Tervo thuộc Viện Tài nguyên Thiên nhiên Greenland đã hợp tác với những người thợ săn Inuit để nghiên cứu một nhóm kỳ lân biển trong vịnh ở Đông Greenland. Các nhà khoa học đã quan sát nhóm kỳ lân biển này hơn 10 năm nên họ hiểu rất rõ các hành vi thông thường của chúng khi không bị tiếng ồn ảnh hưởng.
Nhóm đã bắt được sáu con kỳ lân biển đực. Tiếp theo, họ gắn các thiết bị máy thu GPS và hệ thống giám sát âm thanh lên lưng chúng. Nhờ thiết bị này, họ có thể đo lường sự thay đổi trong hoạt động săn mồi của kỳ lân biển khi gặp tiếng ồn do nhóm nghiên cứu cố tình tạo ra trong nhiều tháng. Đây là khoảng thời gian đủ dài để theo dõi cách các cá thể phản ứng với tiếng ồn mô phỏng tiếng động cơ tàu và các vụ nổ súng hơi dưới nước (các tàu thuyền nổ súng hơi dưới nước ở Bắc Cực nhằm mô phỏng các hoạt động địa chấn để tìm kiếm dầu và khí đốt).
Cùng với cá voi trắng, chúng là hai loài duy nhất còn sinh tồn trong Họ Kỳ lân biển (Monodontidae). Đặc trưng của kỳ lân biển là con đực có một chiếc ngà dài, thẳng, có rãnh xoắn ở hàm trái phía trên của chúng. Ảnh keywordbasket
Ở cách nguồn phát tiếng ồn 12 km, kỳ lân biển "tạch tạch" trung bình chỉ bằng một nửa so với bình thường; và ở 6 đến 7 km, tất cả kỳ lân biển đều ngừng kêu hoàn toàn. Thậm chí kỳ lân biển ở khoảng cách xa hơn cũng bị ảnh hưởng: Ở khoảng cách 40 km so với nguồn phát tiếng ồn, một số cá thể bắt đầu giảm nhẹ tần suất kêu "tạch tạch". Do đó, kỳ lân biển là một trong những loài dễ bị quấy rầy bởi âm thanh của con người nhất, nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Biology Letters.
Phát hiện này gây bất ngờ cho các nhà khoa học, vì hầu hết âm thanh từ tàu thuyền bị tiêu biến xuống dưới mức tiếng ồn môi trường của biển chỉ trong vòng 1 km tính từ nguồn phát. Ai cũng tưởng rằng kỳ lân biển sẽ không thể cảm nhận được âm thanh nếu ở cách thuyền vài km, Tervo nói. “Nhưng chúng tôi cho thấy kỳ lân biển có thể phát hiện những âm thanh lạ này từ rất, rất xa, khi âm thanh đã ở mức thấp hơn nhiều so với tiếng ồn môi trường."
Nhà sinh thái học Greg Breed thuộc Đại học Alaska, Fairbanks, nói phát hiện này là đáng lo ngại. Quần thể kỳ lân biển sẽ không thể săn mồi cho dù ở cách rất xa phạm vi hoạt động của con người. Tuy nhiên, ông lưu ý, thử nghiệm xảy ra trong mùa săn kỳ lân biển - và những con kỳ lân biển trong thử nghiệm có thể đã ở trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Tervo phản bác rằng những con kỳ lân biển trong thử nghiệm vẫn cư xử bình thường cả trước và sau khi nhóm phát tiếng ồn, do đó tiếng ồn là nguyên nhân trực tiếp gây ra phản ứng của chúng. Ngoài ra, âm thanh mô phỏng sử dụng trong thử nghiệm là mới đối với kỳ lân biển, vì thế chúng không có lý do gì để liên kết tiếng ồn với sự hiện diện của con người.
Kết quả cho thấy tác hại tiềm tàng của tiếng ồn từ tàu đối với động vật hoang dã nói chung ở Bắc Cực, Tervo nói, biện pháp khắc phục tạm thời là những người đi thuyền trên vùng biển Bắc Cực có thể đi với tốc độ chậm hơn hoặc sử dụng động cơ êm hơn.